Phát triển bền vững văn hóa dân tộc thiểu số ở vùng Nam Bộ

Ngày 22/12, tại Trà Vinh, Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ phối hợp với Trường Trung cấp Pali-Khmer tỉnh Trà Vinh tổ chức Hội thảo “Ngôn ngữ và sự phát triển bền vững văn hóa dân tộc thiểu số ở vùng Nam bộ”.

Chú thích ảnh
Đoàn chủ tịch chủ trì hội thảo.

Tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ cho biết, thời gian qua, Viện đã đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo tồn và phát huy, phát triển ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở vùng Nam Bộ. Cùng với việc nghiên cứu, giảng dạy về ngôn ngữ dân tộc thiểu số, nhiều cán bộ khoa học của Viện đã tham gia các đề tài, dự án, chương trình, biên soạn tài liệu, sách, giáo trình dạy và học tiếng dân tộc cho một số trường Đại học phía Nam, các tỉnh vùng Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh.

Đến nay, Viện đã xuất bản gần 100 đầu sách về ngôn ngữ học, trong đó nhiều sách về ngôn ngữ dân tộc thiểu số. Viện và các chuyên gia ngôn ngữ học của Viện đã đào tạo, tham gia đào tạo cho khoảng 1.000 học viên và nghiên cứu sinh chuyên ngành ngôn ngữ học, trong đó có trên 100 thạc sĩ và tiến sỹ chuyên ngành ngôn ngữ dân tộc thiểu số.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Sang, thời gian tới, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy, phát triển bền vững ngôn ngữ, văn hóa các dân tộc thiểu số vùng Nam bộ, đồng thời giải quyết những vấn đề khoa học xã hội nhân văn, phục vụ sự nghiệp bảo vệ và xây dựng, phát triển bền vững đất nước.

Chú thích ảnh
 PGS.TS. Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ phát biểu khai mạc hội thảo.

Nghiên cứu của Tiến sỹ Võ Công Nguyện, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học xã hội cho thấy, vùng Nam Bộ, Tây Nam Bộ là vùng cư dân hỗn hợp đa tộc người, đa ngôn ngữ. Quan hệ giữa các tộc người ngày càng hòa hợp thông qua quan hệ giao tiếp ngôn ngữ bằng tiếng Việt và các ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Mặc dù khả năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt của các tộc người thiểu số ở vùng Tây Nam Bộ khác nhau, nhưng đây là ngôn ngữ giao tiếp phổ biến giữa người Kinh và người Khmer, Hoa, Chăm. Trong khi đó, người Kinh sử dụng các ngôn ngữ của người Khmer, Hoa, Chăm, làm ngôn ngữ giao tiếp tại các cộng đồng đa tộc người vẫn còn hạn chế, đặc biệt là những người đang làm việc trong hệ thống chính trị cấp cơ sở ở vùng này.

Tiến sỹ Võ Công Nguyện cho rằng, cần mở rộng chức năng của tiếng Việt phục vụ sự phát triển cộng đồng các dân tộc thiểu số. Để đảm bảo sự thống nhất trong đa dạng ngôn ngữ giữa tiếng Việt, tiếng phổ thông - ngôn ngữ quốc gia và tiếng mẹ đẻ của các tộc người thiểu số, cần tăng cường hệ thống giáo dục song ngữ trong nhà trường và học tiếng mẹ đẻ tại các các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng như chùa Khmer, hội quán Hoa, thánh đường Chăm...

Thạc sỹ Lâm So Rone, Trường Trung cấp Pali-Khmer tỉnh Trà Vinh và Tiến sỹ Phú Văn Hẳn, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đề xuất một số giải pháp bảo tồn và phát triển ngôn ngữ dân tộc thiểu số như: Luật Dân tộc nên thể thiện đầy đủ nội dung về tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số; thống nhất quan điểm, nhận thức chung về lý luận đối với việc bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các dân tộc ở nước ta.

Theo Thạc sỹ Lâm So Rone, Chính phủ cần ban hành cơ chế, chính sách thực hiện bảo tồn, phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số; mở rộng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số trên sóng phát thanh truyền hình quốc gia và địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số…

Chú thích ảnh
 Đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Thanh Hòa/TTXVN

Năm 2013, Trường Đại học Trà Vinh được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, thực hiện nhiệm vụ trọng điểm quốc gia đào tạo nguồn nhân lực ở lĩnh vực này. Thạc sỹ Lâm Quang Vinh, Phó Trưởng khoa Ngôn ngữ - Văn hóa - Nghệ thuật Khmer Nam Bộ, Trường Đại học Trà Vinh cho biết, đến nay Khoa đã đào tạo 1.000 cử nhân khoa học các chuyên ngành, hiện công tác tại nhiều địa phương trong khu vực. Thời gian tới, nhà trường tiếp tục nghiên cứu đào tạo, phát triển văn hóa ngôn ngữ, nghệ thuật Khmer và một số dân tộc khác, đóng góp vào nhiệm vụ bảo tồn, phát triển bền vững văn hóa dân tộc thiểu số ở vùng Nam Bộ.

Thạc sỹ, Đại đức Kim Chane Tha, Trường Trung cấp Pali-Khmer tỉnh Trà Vinh, cũng giới thiệu nét văn hóa viết kinh trên lá buông (Satra) của người Khmer. Loại cây này có hình dáng (cả thân và lá) khá giống với cây thốt nốt. Kinh lá buông được lưu giữ tại nhiều chùa Phật giáo Nam tông Khmer, rất có giá trị trong văn hóa người Khmer Nam Bộ. Văn bản Satra phần lớn mang nội dung giáo dục đạo đức con người, lời răn dạy thực hành tôn giáo Phật, khuyên con người sống tốt, tránh xa điều ác…

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến trong nghiên cứu ngôn ngữ dân tộc thiểu số, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát triển ngôn ngữ dân tộc thiểu số...

Tin, ảnh: Thanh Hòa (TTXVN)
50 tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số
50 tác phẩm được trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số

Ngày 21/12, tại Hà Nội, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam đã tổ chức Lễ trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và kết nạp hội viên năm 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN