Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 9 đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch hơn 18.760 ha vụ lúa Hè Thu trong tổng diện tích gieo sạ gần 70.000 ha. Năng suất lúa Hè Thu đạt bình quân trên 5 tấn/ha.
Tuy giá lúa tăng, nhiều nông dân trồng lúa cho biết đều không có lợi nhuận, thậm chí có nhiều hộ bị thua lỗ. Nguyên nhân do giá phân bón, thuốc bảo vệ, giá nhiên liệu xăng dầu tăng cao nên chi phí từ canh tác đến thu hoạch lúa đều tăng gấp 2 – 3 lần.
Ông Kim Thanh Hơn, ở Thanh Mỹ, huyện Châu Thành cho biết, từ tháng 3/2022, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bắt đầu tăng cao và kéo dài cho đến hiện nay. Cụ thể, giá phân đạm urê hiện ở mức hơn 1 triệu đồng/bao (50 kg/bao), tăng gần 600.000 đồng/bao so với năm 2021. Đó là chưa tính chi phí tăng thêm hơn 1.000.000 đồng/ha thuê máy cày, máy gặt đập liên hợp.
Ông Hơn cho biết thêm, với 3 ha đất sản xuất 3 vụ lúa của gia đình, trước đây mỗi vụ lúa ông chỉ tốn chi phí sản xuất từ 20 - 30 triệu đồng/ha/vụ, năng suất lúa đạt 7 tấn/ha, lợi nhuận ông thu được đạt từ 25 - 30 triệu đồng/ha (tùy giá lúa thị trường). Tuy nhiên, vụ lúa Hè Thu này năng suất lúa chỉ đạt hơn 5 tấn/ha, cùng với giá vật tư nông nghiệp, xăng dầu tăng cao nên gia đình ông không có lời.
Theo ông Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, trước biến động giá vật tư nông nghiệp và giá nhiên liệu, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân giảm bớt diện tích lúa vụ 3 trong năm chuyển sang trồng vụ màu để tăng hiệu quả kinh tế.
Cùng với đó, nông dân cần làm quen và tăng diện tích trồng lúa giống mới cho năng suất và chất lượng gạo cao, sản xuất theo quy trình lúa hữu cơ để thuận lợi ký kết với doanh nghiệp bao tiêu, giá thu mua luôn cao hơn so với lúa thường. Đây là phương thức giúp nông dân trồng lúa đảm bảo được thu nhập, hạn chế thất thu khi gặp giá cả lúa thị trường tuột giảm hay giá vật tư nông nghiệp tăng.