Thay đổi phương thức canh tác để ứng phó giá phân bón tăng cao

Thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao kéo giá phân trong nước cũng tăng theo.

Thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng cao kéo giá phân trong nước cũng tăng theo. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh phân bón trong nước đang phải đối mặt với tình trạng nguyên liệu đầu vào tăng cao và khan hiếm; cùng đó là những khó khăn trong trồng trọt, canh tác của người dân. Nhằm đưa ra các giải pháp ổn định thị trường phân bón trong bối cảnh hiện nay, sáng 30/8, Báo Công Thương đã tổ chức chương trình Chính sách và Đối thoại với chủ đề “Tìm giải pháp ổn định nguồn cung và bình ổn giá phân bón”.

Chú thích ảnh
Đóng bao sản phẩm phân đạm Urê tại nhà máy TNHH MTV Đạm Ninh Bình. Ảnh minh họa: Vũ Sinh/TTXVN

 Khó khăn nguồn cung

Từ đầu năm 2020 đến nay, giá phân bón có lúc tăng nhiều, có lúc tăng ít nhưng qua đánh giá chung của các chuyên gia và doanh nghiệp, đây là đợt tăng mạnh thứ 3 trong khoảng 50 năm trở lại đây.

Theo chia sẻ từ ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, giá phân bón phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, thị trường ngoài tầm kiểm soát của nhiều nhà sản xuất lớn. Cụ thể, năng lượng và các chi phí biến đổi khác tăng: Giá khí tự nhiên, giá dầu đã tăng đột ngột cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trong khi đó khí tự nhiên là nguyên liệu chính cho hầu hết các loại phân đạm, chi phí này chiếm 70% đến 90% chi phí sản xuất ammoniac. Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), nhu cầu mở rộng các khu vực trồng trọt chính trên thế giới cũng là một trong những động lực chính khiến giá phân bón tăng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng chính trị với các biện pháp trừng phạt từ Liên minh châu Âu áp dụng đối với Belarus đã ảnh hưởng đến lượng cung kali (MOP), do Belarus đóng góp khoảng 20% tổng lượng kali xuất khẩu toàn cầu. Đặc biệt, đại dịch COVID-19 bùng nổ ở nhiều nơi trên thế giới cũng khiến ngành công nghiệp phân bón bị ảnh hưởng đáng kể. Sản xuất, cung ứng phân bón tại nhiều quốc gia đã bị đứt đoạn, tăng nhiều loại chi phí do phải áp dụng các biện pháp phòng dịch. Đồng thời, nguyên nhân nữa là do chi phí vận tải, nhất là vận chuyển bằng đường biển sử dụng container tăng chóng mặt.

Ông Phùng Hà cho hay, với tình hình phân bón trong nước tăng phi mã như hiện nay sẽ có lợi cho một số doanh nghiệp, song ảnh hưởng trực tiếp, và lớn nhất là ảnh hưởng đến nông dân trong hoạt động sản xuất.

Đồng tình quan điểm trên, ông Huỳnh Tấn Đạt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, từ đầu năm 2021 đến nay, các mặt hàng phân bón đồng loạt tăng cao, kéo theo chi phí đầu vào tăng, điều này không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân mà còn bào mòn nguồn lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

"Việc giá phân bón tăng cao, làm cho chi phí sản xuất nông nghiệp tăng theo, thu nhập giảm, người nông dân sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất. Phân bón tăng giá là khó khăn, thách thức rất lớn với nông dân, tuy nhiên cũng là cơ hội để thay đổi tư duy, sử dụng phân bón tiết kiệm nhưng vẫn đảm bảo năng suất", ông Huỳnh Tấn Đạt nói.

Thời gian qua, giá phân bón trên thị trường thế giới tăng đột biến, như lưu huỳnh tăng gấp đôi; ure tăng 89% làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo chia sẻ từ ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao: "Chúng tôi đứng trước thực tế không đủ nguyên liệu cho sản xuất; như: lưu huỳnh, kali… không được cung ứng đủ sẽ làm cho sản xuất không đạt công xuất và sản xuất cầm chừng, tạo giá thành rất cao. Với nguyên liệu đầu vào như vậy, nên giá thành cao, giá bán cũng phải đưa lên cao làm giảm sức tiêu dùng của thị trường. Năm 2021, và 6 tháng qua, tiêu thụ phân bón sụt giảm 20-25% so với cùng kỳ; như Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao sụt giản trên 100-200.000 tấn", ông Vũ Xuân Hồng nói.

Tuy vậy, để ổn định nguồn cung, doanh nghiệp phải chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào, bằng cách ký hợp đồng mua các lô lớn với giá cả hợp lý, tận dụng tối đa nguyên liệu trong nước để sản xuất chủ động hơn. Nhờ đó, thời gian qua, đơn vị duy trì ổn định sản xuất, đảm bảo nguồn cung. Đối với người dân, doanh nghiệp cũng tính toán làm sao để tiết kiệm tối ưu, giám giá bán; để cạnh tranh vào thị trường và một phần hỗ trợ nông dân trong giai đoạn khó khăn.

Thay đổi phương thức canh tác

Giá phân bón trong nước và thế giới tăng cao, tuy nhiên, nhìn chung giá phân bón trong nước vẫn được duy trì ở mức thấp hơn so với giá phân bón nhập khẩu cùng loại.

Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp, khó lường trong bối cảnh hiện nay, Cục Bảo vệ thực vật đã thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, tình hình xuất khẩu, nhập khẩu để có các biện pháp ứng phó linh hoạt đối với một số mặt hàng phân bón chủ chốt phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trong nước. Đồng thời các doanh nghiệp sản xuất phân bón cũng đã cam kết tiếp tục duy trì tối đa công suất, hạn chế xuất khẩu, cung ứng kịp thời và ưu tiên tối đa thị trường trong nước. Đến nay, các doanh nghiệp đều đang thực hiện tốt việc này, góp phần ổn định nguồn cung trong nước.

Trong khi giá phân bón bị chi phối bởi cung cầu thị trường quốc tế, việc áp dụng các quy định hành chính can thiệp vào thị trường rất khó khả thi. Trong thời gian tới, tình hình giá và nguồn cung phân bón được dự báo là còn diễn biến phức tạp, do vậy, giảm chi phí đầu vào trong canh tác là một trong những điều kiện tiên quyết.   

Ông Huỳnh Tấn Đạt cho hay, nhằm thúc đẩy người dân thay đổi phương thức canh tác, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả, giảm chi phí đầu vào, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang thực hiện hàng loạt các giải pháp để thay đổi nhận thức của người dân trong việc sử dụng phân bón tiết kiệm và tăng sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất nông nghiệp.

"Chúng tôi tổ chức hướng dẫn các địa phương sử dụng phân bón hợp lý, đúng cách, tiết kiệm, hiệu quả, cân đối, tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ và các nguồn vật liệu hữu cơ để thay thế một phần phân bón vô cơ. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, hệ thống thâm canh lúa cải tiến, gieo sạ né rầy, ứng dụng công nghệ sinh thái, mô hình quản lý dịch hại tổng hợp, mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, mô hình liên kết sản xuất", ông Huỳnh Tấn Đạt nêu.

Cùng với đó, để giảm giá phân bón, ông Huỳnh Tấn Đạt cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào, quy hoạch sản xuất, kinh doanh, thị trường để hài hoà lợi, ích, minh bạch giá cả để giảm tối đa sản xuất. Trong quá trình triển khai thực hiện, các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai giám sát giá cả trên thị trường, đảm bảo giá cả để không biến động quá, làm ảnh hưởng thị trường phân bón.

Theo chia sẻ từ ông Phùng Hà, Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, để ứng phó và thích nghi với vấn đề này, nhằm góp phần giảm giá phân bón, đảm bảo sản xuất có lãi, thứ nhất, cần tăng cường nguồn cung, giảm giá thành. Trước những biến động về giá phân bón như trên, việc đảm bảo nguồn cung, không để thiếu phân bón sẽ đóng vai trò quan trọng. Đây thực sự vừa là cơ hội vừa là nhiệm vụ của các nhà sản xuất phân bón trong nước. Các nhà máy sản xuất phân bón trong nước đã sản xuất được hầu hết các loại phân bón chủ lực, năm 2021, sản xuất phân bón trong nước đạt khoảng 7 triệu tấn, tăng 6% so với cùng kỳ.

Thứ hai, có thể xem xét, tính toán đầu tư sản xuất các loại phân bón phải nhập khẩu. Cụ thể, theo kinh nghiệm cho thấy, khi đảm bảo tốt sản xuất trong nước như 4 nhà máy sản xuất urea, DAP, phân bón chứa lân,… chúng ta có thể chủ động và vững vàng vượt qua các đợt thiếu phân bón do lệnh kiểm soát xuất khẩu của một số cường quốc xuất khẩu phân bón, của xung đột trên thế giới, hay do lệnh cấm vận.

Ngoài ra, về lâu dài để đảm bảo cho ngành phân bón phát triển bền vững, phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, nên tiếp tục xem xét, sửa đổi Luật 71, đưa phân bón vào mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng. Thêm nữa, về vấn đề sử dụng, bản thân người nông dân nên sử dụng phân bón đúng cách và quan tâm hơn sử dụng phân bón thế hệ mới, tăng tỉ lệ nhất định sử dụng phân bón hữu cơ, giảm giá thành sản xuất.

Rõ ràng, trong bối cảnh giá cả tăng cao, ngoài việc chủ động của người dân trong sử dụng phân bón thì các biện pháp hỗ trợ nông dân từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng là rất quan trọng. Ông Vũ Xuân Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cho hay, đơn vị có nhiều kênh hỗ trợ nông dân như bán chậm trả, 4-6 tháng mới thu tiền, nhất là bà con vùng sâu, vùng xa, miền núi việc hỗ trợ này rất quan trọng. Ngoài ra, đơn vị đẩy mạnh trang bị kiến thức bón phân cho bà con nông dân; giảm thiểu môi trường, tiết kiệm, hiệu quả các loại sản phẩm.

Thêm nữa, trong lúc giá phân bón vô cơ cao, doanh nghiệp cũng đã nghiên cứu sản xuất loại phân bón khác, như phân bón hữu cơ, vô cơ vi sinh… qua đó giúp tăng hiệu quả chi phí về bón phân bón rất lớn cho nông dân...

Đức Dũng (TTXVN)
Nhu cầu và giá bán hỗ trợ doanh nghiệp phân bón
Nhu cầu và giá bán hỗ trợ doanh nghiệp phân bón

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (26/8), cổ phiếu ngành phân bón ghi nhận diễn biến tích cực nhất khi đồng loạt tăng trần. Giới phân tích đánh giá, nhu cầu nội địa và giá bán dự báo tăng về cuối năm là động lực thúc đẩy kết quả hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp phân bón.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN