Ninh Thuận: Để KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển bền vững

Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đến nay, bộ mặt kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở tỉnh Ninh Thuận đã, đang có nhiều đổi thay rõ nét. Tuy nhiên, để vùng này phát triển một cách bền vững, nhiều bất cập cần sớm được tháo gỡ nhằm giúp người dân được hưởng lợi một cách toàn vẹn.

Chú thích ảnh
Phát triển kinh tế hợp tác tạo điều kiện cho đồng bào Chăm làng gốm truyền thống Bàu Trúc ở huyện Ninh Phước cùng tham gia liên kết, đẩy mạnh sản xuất. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Tháo gỡ bất cập về chính sách

Ông Bá Bình Yên, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận hiện có 32 dân tộc thiểu số cùng sinh sống, với trên 144.200 người, chiếm 24,4% dân số của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 28 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có 15 xã khu vực III, 1 xã khu vực II và 12 xã khu vực I.

Ngày 4/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai quyết định này, tỉnh đã rà soát các chính sách đang áp dụng giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, qua rà soát đã thấy không ít khó khăn và bất cập ở một số chính sách như: Bảo hiểm y tế đối với người dân tộc thiểu số; vay vốn phát triển kinh tế hộ gia đình; hỗ trợ, đầu tư giáo dục cho con em người dân tộc thiểu số…

Bên cạnh đó, các văn bản hướng dẫn thực hiện các nội dung của  Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của các bộ, ngành Trung ương liên quan chậm được ban hành, làm ảnh hưởng đến quá trình triển khai chính sách tại tỉnh. Đặc biệt, nguồn kinh phí Trung ương phân bổ để thực hiện chính sách còn chậm, chưa kịp thời theo kế hoạch đề ra.

Các bộ, ngành liên quan cần sớm tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để có cơ chế tiếp tục kéo dài hoặc có chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các địa bàn đặc biệt khó khăn (xã khu vực III) nay chuyển sang khu vực khó khăn (khu vực II) bởi thực trạng mức độ khó khăn về địa bàn công tác ở khu vực II không khác biệt nhiều so với khu vực III.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Quốc hội, Chính phủ; là cơ hội để các tỉnh, thành có người dân tộc thiểu số sinh sống nói chung và Ninh Thuận nói riêng có thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện mục tiêu phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, triển khai tốt chính sách an sinh xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, Quyết định 1719 mà Thủ tướng Chính phủ ban hành là điều rất đáng mong đợi không chỉ riêng Ninh Thuận mà hầu hết các tỉnh, thành có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Đây là cơ sở quan trọng để Ninh Thuận tiếp tục hỗ trợ đầu tư về cơ sở hạ tầng, đầu tư về nguồn nhân lực cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi thoát khỏi khó khăn, vươn lên trong cuộc sống, phát triển bền vững.

Theo đó, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành kế hoạch, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện; qua đó để cụ thể hóa Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 25/01/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Ninh Thuận cũng đã ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư và vốn sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025” trên địa bàn tỉnh.

Đề ra các giải pháp

Chú thích ảnh
Đồng bào trồng nho theo hướng nông nghiệp công nghệ cao rất cần nguồn vốn từ cơ chế, chính sách hỗ trợ để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Ảnh: Công Thử/TTXVN

Để thực hiện đúng định hướng, đạt mục tiêu của chương trình và phù hợp với điều kiện thực tế, tỉnh xác định cụ thể các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc tổ chức thực hiện đồng bộ, kịp thời, thống nhất và có hiệu quả các hoạt động của chương trình.

Trước mắt, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc huy động, bổ sung nguồn lực ưu tiên đầu tư cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; chú trọng việc lồng ghép các nguồn lực đầu tư tổng hợp, tránh chồng chéo; qua đó sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi một cách bền vững. Trọng tâm của tỉnh là phát triển đồng bộ hệ thống kết nối hạ tầng, nhất là hạ tầng nông thôn và liên kết vùng; hỗ trợ sản xuất gắn với giải quyết việc làm; hỗ trợ đa dạng các hình thức sinh kế phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm dân tộc; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo được tiếp cận các chính sách, nguồn lực, thị trường để phát triển kinh tế…

Tuy nhiên, để cải thiện và nâng cao thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận đề nghị các bộ, ngành liên quan sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi do các bộ, ngành quản lý.

Đồng thời, tỉnh cũng mong sớm phân bổ vốn để triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn I, từ năm 2021 - 2025; qua đó giảm thiểu những khó khăn trong giai đoạn đầu chuyển tiếp do tác động khi thay đổi việc phân định địa bàn các xã, thôn vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021 - 2025 đến các chính sách dân tộc đối với hộ nghèo, cận nghèo, hộ dân tộc thiểu số và một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức công tác trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và khó khăn.

Có thể khẳng định, tác động từ cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước trong những năm qua đã mang lại hiệu ứng tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở các tỉnh, thành của cả nước. Tại tỉnh Ninh Thuận, kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật vùng dân tộc thiểu số và miền núi được phát triển đồng bộ; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 100% thôn có lưới điện quốc gia và trên 98% số hộ dân có điện thắp sáng; 98% hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh.

Đến nay, vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Ninh Thuận đã có 20/37 xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, bình quân hằng năm giảm 3 - 4%, hiện còn 14,46%; thu nhập bình quân đầu người tăng lên 30,4 triệu đồng năm 2021, tăng 1,19 triệu đồng so với năm 2020. Công tác giáo dục; y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày một được chú trọng và nâng cao. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được quan tâm.

Ngoài ra, công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ngày càng được quan tâm hơn; hệ thống chính trị ở cơ sở vùng đồng bào được củng cố, kiện toàn; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Niềm tin của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi đối với Đảng, Nhà nước ngày càng được củng cố.

Công Thử (TTXVN)
Tạo bứt phá để Ninh Thuận sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước
Tạo bứt phá để Ninh Thuận sớm trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước

Những năm gần đây, tỉnh Ninh Thuận đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế - xã hội; là một trong bốn tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước với GRDP đạt 9%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN