Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các huyện tiếp tục nêu cao tinh thần "Chống dịch như chống giặc", theo phương châm bình tĩnh, chủ động, kiên quyết, không lơ là chủ quan, nhưng cũng không để dịch bệnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội. Đặc biệt, tỉnh Ninh Bình sẽ nêu tên cụ thể những trường hợp vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch để làm gương, nêu cao ý thức cộng đồng.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Ninh Bình, công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đến sáng 2/2, toàn tỉnh đang cách ly y tế gần 1.750 trường hợp, trong đó cách ly tại cơ sở y tế 15 trường hợp, cách ly tại cơ sở cách ly tập trung 166 trường hợp và cách ly y tế tại nhà 1.566 trường hợp.
Trong đó, 1.478 trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan đến Hải Dương và Quảng Ninh. Ngành Y tế cũng đã lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các trường hợp F1, F2 và các trường hợp liên quan đến các vùng dịch theo quy định, chưa phát hiện trường hợp dương tính. Các huyện, thành phố, các cơ sở y tế cũng đã khởi động lại các khu cách ly tập trung, các khoa, phòng truyền nhiễm để sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân COVID-19. Công tác rà soát, lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả các đối tượng theo quy định, theo dõi chặt chẽ các trường hợp đi, về, liên quan đến vùng dịch... đang được ngành y tế tích cực triển khai.
Tỉnh Ninh Bình cũng đã chuẩn bị 2 bệnh viện điều trị COVID-19 với 200 giường bệnh, trong đó tại Bệnh viện Phổi tỉnh Ninh Bình có 100 giường và Bệnh viện thuộc Trung tâm Y tế huyện Hoa Lư có 100 giường. Bên cạnh đó, các huyện, thành phố cũng đã thành lập 12 khu cách ly tập trung với tổng số 590 giường.
Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo, đại diện các ngành, UBND các huyện, thành phố tập trung làm rõ việc phối hợp trong công tác tuyên truyền, vận động người dân khai báo thông tin dịch tễ, hạn chế đi lại, tụ tập đông người; xử phạt các trường hợp vi phạm không đeo khẩu trang nơi công cộng; việc cho học sinh các cấp học nghỉ Tết sớm; phát hiện, tố giác các đối tượng nhập cảnh trái phép; về thời gian thực hiện cách ly tập trung; việc tạm dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ - thể dục thể thao để phòng dịch. Đại diện các đơn vị, cơ sở trong ngành Y tế cũng đề xuất hỗ trợ kinh phí đầu tư, mua sắm thêm hóa chất xét nghiệm, trang thiết bị, dụng cụ, vật tư y tế, xử lý rác thải phục vụ công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Sở Y tế tỉnh Ninh Bình cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, vướng mắc hiện nay, như việc tự khai báo y tế của các trường hợp đi về từ vùng dịch cho cơ quan y tế có thể chưa đầy đủ; khai báo trên các ứng dụng Ncovi và Bluzone còn hạn chế; một bộ phận nhân dân chưa chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng; tần suất đi lại trong dịp Tết Nguyên đán rất cao, tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch; công suất xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa đáp ứng kịp số lượng mẫu và tiến độ của công tác phòng, chống dịch.
Ông Phạm Quang Ngọc lưu ý, dịch bệnh vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp, nhất là thời điểm này, người dân, học sinh, sinh viên trở về địa phương đón Tết Nguyên đán, việc giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố nhiều hơn, đòi hỏi công tác phòng dịch cần nâng cao hơn một bước. Sở Y tế trong quá trình tổ chức thực hiện phải giám sát chặt chẽ, cần có những dự báo trước, chủ động đi trước một bước trong các tình huống dịch; tham mưu kịp thời UBND tỉnh để xác định các cấp độ phòng, chống dịch; tập huấn đội ngũ bác sỹ, nhân viên y tế điều trị bệnh nhân COVID-19; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố chuẩn bị tốt các khu cách ly tập trung...