54 năm Chiến thắng Đồng Lộc (24/7/1968 - 24/7/2022):

Những gam màu mới ở vùng 'túi bom'

Hơn nửa thế kỷ đi qua, dấu vết của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vẫn còn hiện hữu trên từng dáng đất, mắt người nơi “tọa độ lửa” Ngã ba Đồng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh).

Giờ đây, mảnh đất “bom cày, đạn xới” năm xưa đã hình hài nên một vùng cây trái đặc sản của Hà Tĩnh và dáng dấp của một đô thị trẻ.

Chú thích ảnh
Học sinh tiểu học Phố Châu huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) trải nghiệm, tham quan Ngã ba Đồng Lộc. Ảnh tư liệu: Công Tường/TTXVN

Gam màu của ấm no

Xã Thượng Lộc nằm trên tuyến đường 15A và đường 70 đi qua, nơi đây trong các cuộc kháng chiến từng là trọng điểm đánh phá ác liệt, hứng chịu hàng nghìn quả bom các loại. Trong kháng chiến, mỗi người dân, mỗi gia đình vừa là một chiến sỹ vừa là hậu phương cho các lực lượng tập kết ngang qua địa phương. Nhiều tên đất, tên làng đã đi vào lịch sử với những trận địa đánh phá ác liệt như: Động Đồn, Cơn Lim, Cồn Chùa với hai kho đạn như Vĩnh Xuân và Sơn Phú.

Từng là Xã đội trưởng rồi Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc trong giai đoạn 1960-1970, cụ Lâm Đức Chuân (96 tuổi, ở thôn Thanh Mỹ) vẫn còn nhớ như in từng trận đánh phá ác liệt năm xưa. Cụ Chuân kể, sau khi chiến tranh chấm dứt, người dân Thượng Lộc vừa rà phá bom mìn còn sót lại trong vườn nhà vừa lấp từng hố bom để sản xuất, gây dựng nhà cửa. Ở xã Thượng Lộc này, hầu như không có mảnh vườn nhà nào là không từng bị bom dội.

Hòa bình lập lại, người dân Thượng Lộc từng bước bắt tay vào khôi phục sản xuất, ổn định đời sống. Xuất phát điểm là xã miền núi có cơ sở vật chất yếu, dân trí thấp, đất đai chủ yếu là đất đồi cằn cỗi nên bước đầu còn khá khó khăn.

Phó Chủ tịch UBND xã Thượng Lộc Nguyễn Hải cho biết, trước đây, hệ thống tưới tiêu là một trong những hạn chế của việc sản xuất ở địa phương. Được Nhà nước xây dựng hệ thống thủy lợi, hồ đập, kênh dẫn như Đập Trống, Khe Thờ…, người dân đã mạnh dạn đầu tư các giếng khoan lớn. Toàn xã có trên 120 giếng khoan cỡ lớn với giá trị đầu tư mỗi giếng từ 10 đến 15 triệu đồng, đảm bảo ổn định cho việc tưới tiêu sản xuất.

Người dân Thượng Lộc anh hùng trong kháng chiến, đến hòa bình cũng rất mạnh dạn trong đầu tư sản xuất, làm giàu trên vùng đất khó quê hương.

Anh Nguyễn Huy Phố (sinh năm 1983, ở thôn Thanh Mỹ) là một trong những gương thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp và đến nay đã có những thành quả bước đầu trên đồng đất quê hương. Chỉ tay về những đồi cam của trang trại nhà mình, anh Phố tâm sự, khu vực này vốn có rất nhiều hố bom. Chúng tôi vừa cải tạo để trồng cam vừa lấp hố bom. Tuy còn nhiều khó khăn, chúng tôi tin rằng, có sức trẻ, có quyết tâm, “có sức người, sỏi đá cũng sẽ thành cơm”.

Gia đình anh Phố hiện có gần 4ha trồng 1.100 gốc cam và 200 gốc bưởi. Đến nay, 500 gốc cam bưởi đã cho thu nhập mỗi năm thu nhập 25-30 tấn. Gia đình anh còn xây dựng trang trại gà với quy mô 15.000 con/lứa. Thu nhập từ gà và cam của gia đình anh ước đạt hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.

Xã Thượng Lộc có diện tích rộng gần 1.800ha nhưng chiếm một nửa là diện tích đồi núi, xã Thượng Lộc chú trọng phát triển kinh tế trang trại gắn với chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Đến nay, toàn xã có trên 380 mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập từ 100 triệu đồng mỗi năm, trong đó có 6 mô hình cho thu nhập trên 1 tỷ đồng. Thượng Lộc hiện có 7 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, chủ yếu các sản phẩm cây ăn quả như cam, dưa lưới.

Địa hình đồi núi, chất đất và khí hậu đặc trưng đã tạo nên giống cam đặc thù mà chỉ ở Thượng Lộc mới có được, cam giòn có vị ngọt, giòn và thơm đặc trưng. Toàn xã hiện có 320ha cam, bưởi, trong đó phần lớn được sản xuất  theo tiêu chuẩn VietGAP cho năng suất, chất lượng cao. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, xã đã xây dựng thành công thương hiệu cam Thượng Lộc, sản phẩm được bao tiêu đầu ra với giá ổn định.

Vóc dáng đô thị trẻ Đồng Lộc

Từ Thượng Lộc, xuôi theo đường 15A, thị trấn Đồng Lộc là địa phương nơi có Ngã ba Đồng Lộc lịch sử nay đã khoác lên mình diện mạo mới của một đô thị trẻ phía Tây huyện Can Lộc. Năm 2018, xã Đồng Lộc được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định thành lập thị trấn Đồng Lộc. Từ đây Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương dồn sức xây dựng Đồng Lộc theo hướng đô thị văn minh.

Thị trấn Đồng Lộc có diện tích 1.875 ha; phía Bắc giáp xã Trung Lộc (huyện Can Lộc), phía Nam giáp xã Hà Linh (huyện Hương Khê), phía Đông giáp xã Xuân Lộc, Mỹ Lộc (huyện Can Lộc), phía Tây giáp xã Thượng Lộc (huyện Can Lộc); quy mô dân số đến năm 2025 là 10 nghìn người. Thị trấn Đồng Lộc được xây dựng để trở thành đô thị du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử cách mạng.

Ông Nguyễn Bá Tặng, Chủ tịch UBND thị trấn Đồng Lộc chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều khối lượng công việc thời gian qua bị gián đoạn. Trong 6 tháng đầu năm 2022, Đảng bộ chính quyền và nhân dân tiến hành khối lượng công việc đột phá, xây dựng 4 tổ dân phố văn minh kiểu mẫu và phấn đấu 3 tổ dân phố sẽ về đích tổ dân phố văn minh kiểu mẫu trong năm nay. 9/9 tổ dân phố đồng loạt ra quân xây dựng đô thị, vận động nhân dân giải phóng 5.454 mét hành lang giao thông, phá dỡ 1.360 mét tường bao. Nhân dân thị trấn Đồng Lộc đã hiến 2.842 mét vuông đất cho việc xây dựng đô thị văn minh.

Nhờ các chính sách kích cầu người dân phát triển thương mại, dịch vụ của UBND huyện Can Lộc, sau 4 năm thành lập, thị trấn Đồng Lộc đã có 21 điểm kinh doanh lớn, gần 200 hộ tham gia dịch vụ kinh doanh. Nổi lên có 21 hộ kinh doanh nhà hàng, siêu thị. Toàn thị trấn có 200 hộ có vườn đồi, chủ yếu là cam bưởi với diện tích hơn 100ha, nhiều hộ thu nhập từ vườn đồi đạt hàng trăm triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Nguyễn Tiến Dũng cho biết, huyện đã và đang chỉ đạo thị trấn Đồng Lộc xây dựng các mô hình thương mại dịch vụ phục vụ khách du lịch. Địa phương cũng đã ban hành các cơ chế, chính sách để khuyến khích người dân, doanh nghiệp xây dựng các cơ sở thương mại dịch vụ như nhà hàng, khách sạn. Tiến tới xây dựng thị trấn Đồng Lộc thành đô thị văn minh và các xã vùng trà sơn như Thượng Lộc, Mỹ Lộc… sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào thời gian tới.

Hoàng Ngà (TTXVN)
Dự án dang dở tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc
Dự án dang dở tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

Dự án cải tạo, nâng cấp Hồ sinh thái Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (giai đoạn 2) huyện Can Lộc được Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt với tổng mức đầu tư 30 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN