Nhiều địa phương cho học sinh tiếp tục nghỉ học để tránh mưa lũ

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ sau bão số 3, nhiều địa phương phía Bắc và Bắc Trung Bộ đã chủ động xây dựng phương án phòng chống, hạn chế thấp nhất hậu quả có thể xảy ra. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến sự an toàn của người dân, nhất là đối tượng học sinh.

Điện Biên cho học sinh nghỉ học phòng tránh mưa lũ

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên vừa có công văn hỏa tốc về việc cho học sinh nghỉ học để ứng phó mưa lũ sau bão số 3. Công văn nêu rõ, trẻ mầm non, học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Điện Biên nghỉ học hai ngày 9 và 10/9 để ứng phó mưa lũ sau bão.

Ông Nguyễn Văn Đoạt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, căn cứ báo cáo tổng hợp tình hình bão số 3 và công tác ứng phó, khắc phục của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 8/9, hoàn lưu của bão tiếp tục gây mưa lớn đến hết ngày 9/9 cho các tỉnh Bắc Bộ, nhất là khu vực Tây Bắc với lượng mưa phổ biến từ 100 - 200mm, cục bộ có nơi đến 350mm; nguy cơ sạt lở đất và lũ ống, lũ quét cao.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho cán bộ, giáo viên và học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục cho trẻ em mầm non, học sinh, học viên trong các cơ sở giáo dục nghỉ học ứng phó khẩn cấp với mưa lũ sau bão. Đối với các cơ sở giáo dục có học sinh nội trú, bán trú, tổ chức quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho học sinh.

Trường hợp khu nội trú, bán trú có nguy cơ mất an toàn khi thiên tai xảy ra, nhà trường chủ động thông báo tới cha, mẹ học sinh đến đón con, em về nhà đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Trường hợp học sinh không có người nhà đến đón hoặc việc di chuyển có nguy cơ mất an toàn, nhà trường báo cáo chính quyền địa phương, tổ chức di chuyển học sinh đến khu vực an toàn; chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống cho học sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ đạo; huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng phối hợp với Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn địa phương khi có yêu cầu.

Sơn La đảm bảo an toàn cho học sinh sau bão số 3

Chú thích ảnh
Học sinh tại bản Phiêng Nghè, xã Chiềng Đen, thành phố Sơn La (Sơn La) phải di chuyển bằng bè tre đến dự Lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Ngày 8/9, Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La đã ban hành công văn khẩn yêu cầu các cơ sở giáo dục báo cáo UBND các huyện, thành phố quán triệt, tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các văn bản chỉ đạo của cấp trên, cơ quan chức năng về chủ động ứng phó với mưa lũ sau bão số 3; tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết; các văn bản, công điện của các cơ quan quản lý nhà nước; chủ động xây dựng kịch bản, bố trí lực lượng phòng, chống thiên tai, ảnh hưởng của hoàn lưu bão để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho học sinh, giáo viên, nhân viên và cơ sở vật chất, tài sản.

Các cơ sở giáo dục thuộc các huyện Mường La, Bắc Yên, Yên Châu, Phù Yên, Mộc Châu và Vân Hồ; đặc biệt thuộc các xã như Tô Múa, Chiềng Khoa (Vân Hồ), Pú Danh, Ngọc Chiến (Mường La), Hua Păng (Mộc Châu), Mường Bang, Mường Do (Phù Yên), cần tăng cường trực chỉ huy, giữ thông tin liên lạc, báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương, sẵn sàng ứng phó hiệu quả khi có tình huống xảy ra. Các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, trung học và giáo dục thường xuyên cho học sinh nghỉ học ngày 9 và 10/9 (nếu tình hình mưa lớn vẫn tiếp diễn sau ngày 10/9, sẽ có chủ trương chỉ đạo tiếp theo).

Từ ngày 11/9, căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, kế hoạch của tỉnh, các cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn chủ động cho học sinh trở lại học tập và có kế hoạch tổ chức dạy học bù theo quy định. Đối với các cơ sở giáo dục thực hiện nội trú, có biện pháp quản lý chặt chẽ học sinh đang ở trong khu nội trú, không giải quyết cho học sinh đi về trong thời gian bão và hoàn lưu bão đang diễn ra; chủ động di dời toàn bộ tài sản và bố trí chỗ ở, sinh hoạt cho học sinh đảm bảo an toàn; đảm bảo dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống, vệ sinh phục vụ sinh hoạt của học sinh...

Học sinh Cao Bằng tiếp tục nghỉ học để ứng phó với thiên tai

Ngày 8/9, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Cao Bằng có công điện đề nghị các đơn vị nhà trường cho trẻ em mầm non, học sinh, học viên, sinh viên trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Cao Bằng nghỉ học để ứng phó khẩn cấp với thiên tai. Thời gian nghỉ học từ ngày 9 - 10/9.

Các cơ sở giáo dục có học sinh nội trú, bán trú tổ chức quản lý chặt chẽ, đảm bảo an toàn cho học sinh. Trường hợp khu nội trú, bán trú có nguy cơ mất an toàn khi xảy ra thiên tai, nhà trường chủ động thông báo tới cha mẹ học sinh đến đón con em về nhà, đảm bảo tuyệt đối an toàn. Trường hợp học sinh không có phụ huynh đến đón hoặc việc di chuyển có nguy cơ mất an toàn, nhà trường báo cáo chính quyền địa phương, tổ chức di chuyển học sinh đến khu vực an toàn; chuẩn bị đầy đủ thực phẩm, nước uống đảm bảo an toàn thực phẩm cho học sinh

Các cơ sở giáo dục tổ chức ứng trực 24/24 giờ; cập nhật đầy đủ thông tin về diễn biến thiên tai, báo cáo và tham mưu kịp thời cấp có thẩm quyền về diễn biến thiên tai và phương án ứng phó bão.

Cùng với đó là tăng cường phối hợp thông tin, tuyên truyền đến phụ huynh, các tổ dân phố không để học sinh đi qua khu vực sông suối, đập tràn, vùng có nguy cơ lở đất, ngập úng, lũ quét; khẩn trương ổn định, khắc phục hậu quả sau mưa bão, đảm bảo các điều kiện học tập, sinh hoạt của học sinh; đưa các hoạt động của nhà trường trở lại bình thường, không ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.

Sau ngày 10/9, các cơ sở giáo dục tùy theo điều kiện thực tế tổ chức các hoạt động dạy và học của nhà trường, báo cáo UBND các huyện, thành phố và Sở Giáo dục Đào tạo theo quy định...

Thanh Hóa tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động

Chú thích ảnh
Bão số 3 gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khiến nước ở nhiều sông dâng cao, gây ngập cục bộ một số tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Ảnh TTXVN phát

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, ngày 8/9, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa đã phát đi Công điện số 06, phát lệnh Báo động I trên sông Bưởi tại Kim Tân yêu cầu các huyện Thạch Thành và Vĩnh Lộc thực hiện các giải pháp cấp bách, triển khai ngay việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động. Theo đó, các địa phương này tổ chức kiểm tra, rà soát và có phương án xử lý đảm bảo an toàn cho công trình đê điều; đặc biệt là các đoạn đê xung yếu, cống dưới đê trên địa bàn; chủ động phương án sơ tán dân sinh sống ở vùng bãi sông.

Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ để sẵn sàng xử lý các tình huống ngay từ giờ đầu; thông tin, báo cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh và Văn phòng thường trực Chỉ huy Phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh…

Theo thống kê từ các huyện, thị, thành phố, tại tỉnh Thanh Hóa, bão số 3 đã gây thiệt hại nặng nề về giao thông, sản xuất nông nghiệp... ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.

Trên địa bàn có 16 điểm sạt lở xảy tại các tuyến Quốc lộ 15, Quốc lộ 15C, Quốc lộ 16, Quốc lộ 17... Mưa lũ cũng đã gây ngập tràn Cửa Dụ tại xã Luận Thành, huyện Thường Xuân, mực nước ngập sâu gây tắc đường.

Các đơn vị của ngành Giao thông vận tải đã tiến hành phát cây, dọn sa bồi, cắm biển cảnh báo, rào chắn tại các vị trí sạt lở, sụt trượt, đường tràn ngập sâu... đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, bố trí người trực gác, hướng dẫn giao thông... nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến.

Mưa bão cũng gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp của Thanh Hóa. Tại huyện vùng cao Bá Thước, mưa bão đã làm hư hại, gãy đổ hơn 349 ha lúa; 23,5 ha hoa; 169 ha cây hàng năm; 8,1 ha ao, hồ bị hư hại. Nước lũ cũng cuốn trôi 30 rọ thép, làm vỡ đập Tá Lùn ở thôn Khảng gây ảnh hưởng đến công trình thủy lợi. Tại xã Ban Công có 85 guồng nước, 1 thuyền sắt bị cuốn trôi.

Chính quyền huyện Bá Thước chỉ đạo UBND xã, thị trấn tiếp tục kiểm tra các khu vực xung yếu để có phương án đảm bảo an toàn cho người và tài sản; các cơ quan chức năng khẩn trương di chuyển đồ dùng cho hộ gia đình bị tốc mái và nguy cơ cao ảnh hưởng bởi thiên tai đến nơi ở an toàn và hỗ trợ các điều kiện thiết yếu để đảm bảo sinh hoạt.

Tại huyện ven biển Nga Sơn, bão số 3 làm 325,6 ha lúa bị đổ, 9,7 hoa màu khác bị thiệt hại hoàn toàn. Huyện chỉ đạo các các xã, thị trấn và các đơn vị thủy nông chủ động tiêu nước bảo vệ cây trồng, các đối tượng con nuôi và tài sản của nhân dân. Đồng thời, hướng dẫn người dân khẩn trương tháo kiệt nước trong ruộng và huy động nhân lực, chuẩn bị vật liệu để dựng lúa đứng lên tránh ảnh hưởng đến năng suất.

Mưa bão cũng khiến 4 tàu của ngư dân Thanh Hóa bị chìm, 1 ngư dân mất tích khi tránh, trú bão tại thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh. UBND huyện Quảng Xương đang phối hợp, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh và tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ tìm kiếm ngư dân đang mất tích.

Bão số 3 gây mưa lớn trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa khiến nước ở nhiều sông dâng cao. Mực nước sông Bưởi tại huyện Thạch Thành đang gây ngập cục bộ một số tuyến đường giao thông, ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân. Tại xã Thành Minh bị ngập tuyến đường liên thôn với chiều dài 1km, ngập sâu khoảng 40cm. Còn tại xã Thành Công, tuyến đường đi thôn Đồng Chư cũng bị ngập sâu trên chiều dài 0,4 km. Tuyến đường từ thôn Chính Thành, xã Thành Trực đi xã Thành Công cũng bị ngập sâu khoảng 70cm với chiều dài 50m...

Phóng viên TTXVN tại các địa phương
Phó Thủ tướng Thường trực kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Nam Định
Phó Thủ tướng Thường trực kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Nam Định

Ngày 8/9, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 tại tỉnh Nam Định.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN