Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trong các khu công nghiệp của các tỉnh phía Bắc, tỉnh Nghệ An đã chủ động kích hoạt với nhiều giải pháp cấp bách phòng, chống dịch trong các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn.
Thành lập “Tổ An toàn COVID-19” trong mỗi doanh nghiệp
Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn và đội ngũ công nhân lao động, Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An đề nghị Liên đoàn Lao động các huyện, thị xã, Công đoàn ngành phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập bộ phận phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp, gọi tắt là “Tổ An toàn COVID-19”.
Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Masan MB là một trong những doanh nghiệp triển khai sát sao công tác phòng, chống dịch. Ngay từ đầu năm 2021, công ty đã khởi động hệ thống phòng dịch như Phòng Y tế khám, phân loại ban đầu các công nhân có dấu hiệu ho, sốt; tại nhà ăn có vách ngăn, khi ăn ca cũng chia thành nhiều đợt. Công ty thành lập “đội đặc nhiệm” để triển khai các công việc phòng, chống dịch tại chỗ. Mọi thông tin được trao đổi nhóm Zalo của từng tổ để triển khai kịp thời đến đoàn viên, người lao động.
“100% công nhân vào công ty làm việc phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt, sát khuẩn tay. Hàng ngày, khi công nhân hết giờ làm, công ty tổ chức khử khuẩn toàn bộ công ty. Đặc biệt công ty còn hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ làm công tác phòng, chống dịch COVID-19”, bà Lê Thị Nga - Chủ tịch Công đoàn Cơ sở Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Masan MB cho biết.
Thực hiện chỉ đạo của Liên đoàn Lao động tỉnh, Công ty Cổ phần Chế biến Khoáng sản Tân Kỳ đã thành lập “Tổ An toàn COVID-19” với nòng cốt là tổ trưởng Công đoàn, an toàn vệ sinh viên. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch của Công ty đã xây dựng kịch bản với 5 cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất là phát hiện trường hợp mắc COVID-19, chuẩn bị đầy đủ về nhu yếu phẩm cho trường hợp bị phong tỏa.
Chị Hồ Thị Luyến, Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, cùng với việc bao quát, nhắc nhở công nhân lao động đảm bảo an toàn vệ sinh lao động, các thành viên “Tổ An toàn COVID-19” sẽ nhắc nhở thêm việc đeo khẩu trang, đứng giãn cách khi làm việc. Các thành viên của Tổ quán triệt đến công nhân lao động trong xưởng phải tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch, đề cao tinh thần trách nhiệm tự bảo vệ bản thân, bảo vệ gia đình, bảo vệ công ty và xã hội.
“Tổ An toàn COVID-19” được thành lập với quy chế hoạt động do người sử dụng lao động ban hành phù hợp với điều kiện sản xuất tại doanh nghiệp. Nòng cốt là cán bộ Công đoàn cơ sở, an toàn vệ sinh viên, công nhân giàu kinh nghiệm trong công tác đảm bảo an toàn lao động; mỗi tổ có ít nhất 3 thành viên tham gia. Các thành viên “Tổ An toàn COVID-19” được tổ trưởng cung cấp đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh, các biện pháp để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch tại nơi làm việc thông qua nhóm Zalo, mạng nội bộ.
Hằng ngày, “Tổ An toàn COVID-19” trong các doanh nghiệp khu công nghiệp tuyên truyền, đôn đốc, hướng dẫn, nhắc nhở công nhân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ngoài giờ làm việc; theo dõi, kiểm tra, giám sát về tình hình sức khỏe và việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch ở hai vòng (cổng doanh nghiệp và trong nhà xưởng) cũng như phát hiện nhắc nhở, kiến nghị người có trách nhiệm xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về công tác phòng, chống dịch theo quy định của chính quyền địa phương và quy chế của doanh nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Nhi, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An, với việc ra đời và hoạt động tích cực của "Tổ An toàn COVID-19 sẽ là mắt xích quan trọng trong dự phòng và kiểm soát, đảm bảo an toàn cho công nhân, lao động, ổn định sản xuất kinh doanh trong điều kiện các doanh nghiệp thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất vừa đảm bảo công tác phòng dịch.
Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch
Theo thống kê chưa đầy đủ từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tỉnh Nghệ An hiện có gần 20.000 lao động đang làm việc tại các Khu Công nghiệp ở tỉnh Hải Dương, Bắc Giang và Bắc Ninh. Để tháo gỡ khó khăn cho công nhân, người lao động đang bị mất việc, ngày 25/5, Liên đoàn Lao động tỉnh đã ban hành hướng dẫn để hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do đợt dịch COVID-19 từ ngày 27/4.
Phạm vi hỗ trợ được áp dụng cho cả các lao động làm việc tại các tỉnh phía Bắc và hiện đang cách ly tại Nghệ An. Cùng với đó, đoàn viên Công đoàn, người lao động mắc COVID-19 đang điều trị bệnh được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người; đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí Công đoàn là F1 có hoàn cảnh khó khăn phải cách ly y tế 21 ngày tại khu cách ly tập trung theo quyết định của cơ quan chức năng được hỗ trợ 1 triệu đồng/người. Mức hỗ trợ 1 triệu đồng được áp dụng cho đoàn viên là cán bộ, công chức, viên chức là trường hợp F1 có hoàn cảnh khó khăn, phải cách ly y tế 21 ngày tại nơi cách y tập trung.
Đoàn viên, người lao động tại các doanh nghiệp có đóng kinh phí công đoàn, phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà có hoàn cảnh khó khăn, lao động nữ đang mang thai, người lao động đang nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi hoặc buộc phải nghỉ việc do đang cư trú tại các khu vực bị phong tỏa được hỗ trợ 500 nghìn đồng/người.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Nghệ An cho biết, ngày 28/5, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại nơi làm việc, cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh. Các đoàn viên, lao động thuộc diện hỗ trợ là lao động thuộc các doanh nghiệp đóng trên địa bàn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, không vi phạm các quy định về phòng, chống dịch, thuộc diện khó khăn (trừ diện F0). Mức hỗ trợ có thể sẽ được điều chỉnh phù hợp tùy thuộc tình hình thực tế diễn biến và sự ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, cán bộ công đoàn trực tiếp tham gia công tác chống dịch tại các địa phương có dịch từ ngày 27/4 cũng được chi hỗ trợ khẩn cấp. Cụ thể, cán bộ chuyên trách công đoàn cấp trên cơ sở được hỗ trợ 150 nghìn đồng/ngày nhưng không quá 2 triệu đồng/người. Cán bộ công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp, cơ quan đơn vị hỗ trợ 120 nghìn đồng/ngày, không quá 1,5 triệu đồng/người. Cán bộ công đoàn tham gia công tác phòng, chống dịch bị mắc COVID-19 sẽ được hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người.
Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ ngân sách của Liên đoàn Lao động tỉnh, ngân sách của Liên đoàn Lao động các huyện, công đoàn ngành và kinh phí hoạt động công đoàn của các đơn vị.
Lao động có hoàn cảnh khó khăn thuộc diện hỗ trợ khẩn cấp do ảnh hưởng dịch COVID-19 là lao động nữ đang mang thai từ tháng thứ 7 trở lên hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tháng tuổi; có vợ hoặc chồng hoặc con bị mắc bệnh phải chữa trị dài ngày; bị tai nạn lao động có tỷ lệ sức khỏe giảm từ 31% trở lên; bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất, cháy nhà...