Bắc Giang đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân từ 13-15%/năm từ nay đến năm 2030; tốc độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa bình quân từ 12-14%/năm từ nay đến năm 2030.
Giai đoạn 2023 – 2025, Bắc Giang nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản của tỉnh; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng thâm dụng lao động và có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình.
Giai đoạn 2026 – 2030, địa phương tập trung phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và hướng đến công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thúc đẩy phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao.
Theo ông Phan Thế Tuấn, Bắc Giang sẽ đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh phụ thuộc quá mức vào một khu vực thị trường; hướng đến cán cân thương mại song phương lành mạnh, hợp lý, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Duy trì và phát huy các thị trường đã có như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, ASEAN, Đông Âu; đồng thời, hướng tới những thị trường mới như Mỹ, Nam Mỹ, châu Phi...
Cùng với việc khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, ASEAN... Bắc Giang sẽ đẩy mạnh khai thác các thị trường lớn, tiềm năng như: Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh...
Để đạt mục tiêu, Bắc Giang tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp về phát triển sản xuất, tạo nguồn cung bền vững cho xuất khẩu; phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn; hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường quản lý nhà nước trong tổ chức hoạt động xuất nhập khẩu nhằm tạo thuận thương mại, chống gian lận thương mại và hướng tới thương mại công bằng.
Tỉnh huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, lợi thế cho phát triển xuất khẩu; quản lý và kiểm soát nhập khẩu đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất trong nước và hướng đến cán cân thương mại lành mạnh, hợp lý; nâng cao vai trò của hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các doanh nghiệp hạt nhân, thúc đẩy hình thành các chuỗi giá trị xuất khẩu.
Đối với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, là các thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn của tỉnh, Bắc Giang tiếp tục tận dụng tối đa các ưu đãi từ các Hiệp định FTA đa phương và song phương để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước này với các nhóm hàng hàng may mặc; sản phẩm máy tính, điện tử và linh kiện; sản phẩm từ gỗ; hàng nông sản…
Đối với khu vực châu Âu, chủ yếu là thị trường EU, Nga, là những thị trường lớn. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- Liên minh kinh tế Á- Âu là cơ hội rất lớn cho hàng hóa xuất khẩu của tỉnh, do đó Bắc Giang sẽ tập trung duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường này.
Đối với khu vực châu Mỹ, trọng tâm là thị trường Mỹ, Canada, Chile, Mexico, Peru, nhất là thị trường Mỹ (nước nhập khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới hàng năm), Bắc Giang tiếp tục củng cố và mở rộng xuất khẩu tại các thị trường trên để tận dụng có hiệu quả lộ trình cắt giảm thuế theo tinh thần Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) mà một số nước tham gia…
Tổng giá trị xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2023 của tỉnh Bắc Giang dự kiến đạt trên 36,54 tỷ USD; trong đó, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt trên 19,65 tỷ USD và tổng giá trị nhập khẩu hàng hóa đạt trên 16,89 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; thiết bị điện; hàng dệt, may, da, giầy… Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản…
Các mặt hàng nhập khẩu chính gồm điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc thiết bị; nguyên liệu, phụ liệu hàng dệt may, da, giầy…