Mai Châu: Thức dậy tiềm năng du lịch cộng đồng từ bản sắc văn hóa và thiên nhiên

Mai Châu là vùng đất phía Tây tỉnh Hòa Bình, từ lâu là điểm đến hấp dẫn du khách bằng vẻ đẹp nguyên sơ của núi rừng, không khí mát mẻ và mang đậm bản sắc văn hóa của các dân tộc đang sinh sống tại đây.

Với chủ trương phát triển du lịch cộng đồng bền vững, các địa phương Pà Cò và bản Lác đã trở thành những điểm sáng, vừa bảo tồn được di sản văn hóa, vừa tạo sinh kế cho người dân.

 Hang Kia, Pà Cò - Bản làng của mây, sắc chàm và hồn văn hóa Mông

Hang Kia, Pà Cò là tên gọi của hai xã trước khi sáp nhập thành xã Pà Cò, bao gồm xã hang Kia, Pà Cò, Cun Pheo. Nơi đây là địa bàn sinh sống chủ yếu của cộng đồng dân tộc người Mông ở tỉnh Hòa Bình. Những năm gần đây, Hang Kia, Pà Cò đã từng bước chuyển mình, phát triển nhờ khai thác lợi thế khí hậu tự nhiên và cảnh quan kỳ vĩ.

Những buổi sớm tinh sương, khi mặt trời còn chưa ló rạng, cả thung lũng chìm trong “biển mây” trắng xóa, tiếng gà gáy sáng vang vọng bản làng. Du khách đến đây sẽ được trải nghiệm hình thái thời tiết của 4 mùa trong một ngày, buổi sáng mát dịu như mùa Xuân, trưa nắng nóng như mùa Hạ, qua chiều se se lạnh như mùa Thu, và không gian lạnh giá như mùa Đông khi màn đêm buông xuống.

Chú thích ảnh
Khu du lịch bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình

Anh Khà A Sơn, chủ homestay điểm săn mây ở Hang Kia, cho biết:  Ở Hang Kia và Pà Cò có những điểm cao để du khách có thể ngắm nhìn những biển mây cuồn cuộn vào mỗi buổi sớm mai như: Điểm Cổng Trời, khu Pà Khôm đi Thung Mài, Thung Mặn…  Tại những điểm này, còn có thể ngắm nhìn được đỉnh Pù Luông (Thanh Hóa) và đỉnh Pha Luông (Sơn La)

Hang Kia, Pà Cò còn lưu giữ nhiều phong tục, di sản văn hóa độc đáo như Lễ hội Gầu Tào, chợ phiên Pà Cò, các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, vẽ sáp ong, làm giấy thủ công… Từ lợi thế đó, chính quyền địa phương cùng người dân đã phát triển mô hình kinh doanh du lịch homestay, nhằm phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân.

Hiện có khoảng 16 hộ dân tại Hang Kia, Pà Cò đang tham gia làm homestay cộng đồng, được tổ chức theo mô hình liên kết nông dân – hợp tác xã. Các sản phẩm du lịch ở đây tập trung vào trải nghiệm văn hóa. Du khách có thể học cách nhuộm chàm, thử làm bánh ngô, đi rừng hái thuốc, hoặc cùng gia đình chủ nhà nấu món ăn truyền thống, khám phá cung đường trekking từ Mai Châu – Hang Kia – Pà Cò – Mộc Châu, tham quan trải nghiệm tại không gian văn hóa Mông của chị Sùng Y Múa.

Các homestay phục vụ ẩm thực địa phương và cung cấp các phòng nghỉ tiêu biểu như: Y Múa, A Dính, A Dơ, Sơn Bắc, A Páo… Mỗi năm homestay Y Múa đón khoảng 3.000 lượt khách, đạt doanh thu từ 600–700 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động tại chỗ. Khách đến homestay không chỉ được ngủ nhà sàn, ăn món bản, mà còn tham gia trải nghiệm săn mây, đi rừng, làm bánh dày, nhuộm chàm…

Phó Chủ tịch UBND xã Pà Cò, ông Vàng A Váu, cho biết, chính quyền địa phương tạo điều kiện hết sức để hỗ trợ các hộ làm homestay nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng đón khách, nghiệp vụ buồng phòng và quảng bá sản phẩm du lịch gắn với văn hóa Mông.

Bản Lác – Biểu tượng du lịch cộng đồng kiểu mẫu của người Thái

Nếu Hang Kia và Pà Cò là những địa chỉ du lịch mới nổi, thì bản Lác (xã Chiềng Châu cũ nay là xã Mai Châu sau sáp nhập) lại là điểm đến nổi tiếng và quen thuộc của tỉnh Hòa Bình. Bản Lác đã khẳng định thương hiệu du lịch cộng đồng kiểu mẫu. 

Cách Hà Nội khoảng 140km, bản Lác là một bản người Thái, chủ yếu thuộc 5 dòng họ: Hà, Vì, Mác, Lộc, Lò. 

Với hàng trăm ngôi nhà sàn bên ruộng lúa, với suối chảy róc rách, cùng những con đường đá sạch sẽ quanh co trong bản, đã tạo nên một bản du lịch cộng đồng xanh sạch riêng có của người Thái trắng.

Những mái nhà sàn truyền thống san sát nhau, những con đường đá nhỏ sạch sẽ quanh co lẩn khuất trong thứ ánh sáng mê hoặc của những buổi chiều vàng ngọt...

Nơi đây có những cánh đồng trải dài bạt ngàn cùng suối chảy róc rách, có rặng tre rì rào gió hay những cây đu đủ chi chít trái bên đường... tạo nên một không gian làng quê yên bình đến lạ thường nơi núi rừng Tây Bắc. 

Chú thích ảnh
Du khách tham quan khu du lịch bản Lác

Chị Đỗ Hải Anh (Hà Nội) chia sẻ: “Cuộc sống nơi bản Lác hiện lên bình yên trong làn sương khói,  cùng tình cảm nồng hậu, bình dị của người dân đã tạo nên sức lôi cuốn khó cưỡng đối với bất cứ ai đã từng ghé qua nơi đây. Đối với tôi, bản Lác là sự hòa quyện hoàn hảo giữa khung cảnh thiên nhiên, mây núi và con người, những cụm bản làng nhỏ xinh với kiến trúc nhà sàn độc đáo bên những cánh đồng lúa nếp nương".

Theo thống kê, hiện bản Lác có 125 hộ dân, thì có tới 73 hộ đăng ký kinh doanh dịch vụ homestay. Thời gian qua, lượng du khách nội địa đến bản Lác liên tục gia tăng, mang lại không khí sinh động và tăng thu nhập cho người dân bản địa.

Chú thích ảnh
Khung cảnh thanh bình của bản Lác.

Bản Lác cung cấp các dịch vụ lưu trú, ẩm thực và biểu diễn nghệ thuật dân gian như múa xòe, múa sạp, thổi khèn lá, uống rượu cần… các hộ dân tham gia làm du lịch cộng đồng và người dân trong bản vẫn giữ được nguyên vẹn bản sắc kiến trúc, phong tục truyền thống của dân tộc Thái. Đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ thông qua việc học tiếng Anh, kỹ năng giao tiếp và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Phát triển theo hướng bền vững bảo tồn thiên nhiên

Du lịch cộng đồng ở Mai Châu là hướng đi phát triển kinh tế mang tính bền vững, với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, thông qua việc gìn giữ văn hóa, sẽ góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân vùng cao tỉnh Hòa Bình. 

Theo bà Quách Thúy Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình, loại hình du lịch cộng đồng tại Hòa Bình có nhiều thuận lợi, bởi vị trí địa lý thuận lợi, cách Hà Nội chỉ khoảng 70 - 80 km, dễ dàng kết nối với các thị trường du khách lớn từ Thủ đô và các tỉnh lân cận. Đặc biệt, các điểm đến như: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, đã ghi dấu ấn với nhiều mô hình homestay thành công, nơi du khách có thể nghỉ ngơi trong những ngôi nhà sàn truyền thống, thưởng thức ẩm thực địa phương, tham gia các hoạt động như trồng lúa, dệt vải.

Thời gian tới, ngành du lịch cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, tập huấn chuyên môn, ngoại ngữ, kỹ năng marketing và vận hành dịch vụ; chuẩn hóa mô hình homestay, nhằm đảm bảo vệ sinh, kiến trúc, không gian bản địa và chất lượng trải nghiệm. Đồng thời, liên kết các vùng du lịch, kết nối Hang Kia – Pà Cò – Bản Lác – Pù Luông – Mộc Châu thành tuyến du lịch hấp dẫn, đa dạng. Phát triển sản phẩm văn hóa – OCOP như thổ cẩm Mông, chè Shan tuyết, rượu cần, mây tre đan, nông sản sạch…

Từ các bản vùng sâu, vùng xa, Hang Kia – Pà Cò – bản Lác đang vươn mình thành những điểm đến tiêu biểu của du lịch cộng đồng Tây Bắc. Những nếp nhà sàn ấm cúng, biển mây bồng bềnh, nụ cười mộc mạc của người Mông, người Thái... tất cả đang tạo nên một hình ảnh Mai Châu đậm đà, bản sắc– một "nét duyên rừng núi" riêng có của tỉnh Hòa Bình.

Bài và ảnh: Lưu Trọng Đạt
'Vietnam is calling': Từ trào lưu mạng xã hội đến 'cú hích' cho du lịch
'Vietnam is calling': Từ trào lưu mạng xã hội đến 'cú hích' cho du lịch

Trong tuần vừa qua, loạt video sôi động kèm dòng chữ “Vietnam is calling” (Việt Nam đang gọi) được lan tỏa mạnh mẽ trên các nền tảng mạng xã hội TikTok, Instagram, Facebook Reels, đã tạo nên làn sóng mới trong xu hướng du lịch toàn cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN