Kỳ vọng ở cụm công nghiệp Thôn Hoa

Nằm gần tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại, Cụm công nghiệp Thôn Hoa, thị trấn Thành Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được kỳ vọng là đầu tàu cho các ngành sản xuất công nghiệp, làm thay đổi diện mạo nông thôn miền núi, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Tương lai không xa nữa, nhiều con em của đồng bào các dân tộc anh em ở huyện miền núi Nam Giang vốn chỉ gắn bó với cây sắn, hạt lúa, gắn bó với rừng hoặc mưu sinh nơi đất khách, sẽ trở thành công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp ngay trên quê hương mình.

Chú thích ảnh
Các đơn vị thi công khẩn trương thi công bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư vào Cụm công nghiệp Thôn Hoa vào quý 1/2020.

Ông ALăng Mai, Chủ tịch UBND huyện Nam Giang, cho biết: Cụm công nghiệp Thôn Hoa được UBND tỉnh Quảng Nam ưu tiên phê duyệt vào năm 2016 và được điều chỉnh bổ sung quy hoạch vào năm 2018, với tổng diện tích hơn 37 ha.

Sau khi có chủ trương đầu tư của tỉnh về cụm công nghiệp đầu tiên trên địa bàn, huyện Nam Giang đã tập trung triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều việc làm cụ thể và được người dân đồng tình hưởng ứng.

Trước hết là về công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, huyện đã sớm công khai chi tiết quy hoạch về cụm công nghiệp đến các tầng lớp nhân dân; triển khai đồng bộ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng gắn với tái định cư, ổn định lâu dài cho người dân trong vùng dự án. Triển khai thực hiện các chính sách về cơ chế ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành của Chính phủ, đặc biệt là theo Quyết định 06 năm 2012 của UBND tỉnh về cơ chế ưu đãi đầu tư cho cụm công nghiệp trên địa bàn. Với những nỗ lực của mình công với sự giúp đỡ kịp thời của các cấp, các ngành và của UBND tỉnh, đến thời điểm này, huyện Nam Giang đã triển khai thi công san lấp mặt bằng trên diện tích hơn 20 ha và chậm nhất đến quý 1/2020, sẽ bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư.

Điều đặc biệt đáng mừng là sau khi Cụm công nghiệp Thôn Hoa chính thức khởi động, đã có nhiều doanh nghiệp đến tìm hiểu và được huyện tạo điều kiện thuận lợi để đăng ký đầu tư theo quy định. Trước mắt, tỉnh Quảng Nam đã cấp phép đầu tư cho 3 doanh nghiệp gồm: Nhà máy thép Việt- Pháp, Nhà máy gạch Tuy-nel, Nhà máy sản xuất dăm gỗ nguyên liệu; với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.000 tỷ đồng.

"Đây là tín hiệu hết sức đáng mừng cho cụm công nghiệp Thôn Hoa non trẻ, tỉnh cũng đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sớm triển khai dự án. Chúng tôi kỳ vọng khi các nhà máy đi vào hoạt động ổn định không những làm yên lòng nhà đầu tư khi mạnh dạn đến làm ăn lâu dài với chúng tôi, mà còn góp phần đáng kể trong việc thúc đẩy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển, ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ như cam kết ban đầu giữa địa phương với doanh nghiệp, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho tỉnh và cho địa phương. Đặc biệt, nhà máy chế biến gỗ dăm được đặt ngay giữa rừng nguyên liệu sẽ mở ra cơ hội lớn cho người dân trong việc trồng và tiêu thụ keo nguyên liệu, chấm dứt được tình trạng giao thông cách trở, tư thương lợi dụng để “cò kè bớt một thêm hai”, đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân. Tương lai không xa nữa sẽ có nhiều con em của đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi Nam Giang từ chỗ chỉ gắn bó với cây sắn, hạt lúa, gắn bó với rừng hoặc mưu sinh nơi đất khách sẽ trở thành công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp ngay trên quê hương mình", Chủ tịch UBND huyện Nam Giang ALăng Mai bày tỏ hy vọng.

Bên cạnh sự kỳ vọng lớn về cụm công nghiệp sẽ đi vào hoạt động trong tương lai không xa, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho con em, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế-xã hội; cụm công nghiệp Thôn Hoa cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Theo quyết định 06 năm 2012 của UBND tỉnh Quảng Nam về cơ chế thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp, mức đầu tư về hạ tầng cho cụm công nghiệp nói chung và cụm công nghiệp Thôn Hoa nói riêng còn quá thấp. Cụ thể, cụm công nghiệp có diện tích từ 30ha trở lên, mức hỗ trợ tối đa không quá 20 tỷ đồng cho công tác bồi thường, giải phóng và san lấp mặt bằng, xây dựng thống các công trình xử lý nước thải, chất thải tập trung. Trong điều kiện là huyện miền núi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, thì mức đầu tư, hỗ trợ như trên là còn thấp, tỉnh cần có cơ chế ưu đãi nhiều hơn nữa cho các huyện miền núi. Mặt khác, định mức về đề bù, giải phóng mặt bằng vẫn còn thấp, nhất là với đất nông nghiệp, do đó trong quá trình bồi thường người dân còn phàn nàn vì giá tiền đền bù chưa tương xứng với thị trường chung hiện nay.

Chú thích ảnh

Ông Thái Minh Hoàng, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Nam Giang cho biết: Cụm công nghiệp Thôn Hoa bố trí ngành nghề chủ yếu là công nghiệp luyện kim, công nghiệp chế biến nông lâm sản, công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác chế biến khoáng sản, các ngành tiểu thủ công nghiệp khác được tổ chức và hoạt động theo quy định tại Nghị định 68/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, Quyết định 06/2012 của UBND tỉnh về quy chế quản lý và ưu đãi đầu tư cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam. Đây là cụm công nghiệp đầu tiên, cũng là nơi đặt ra nhiều thử thách trong việc thu hút nhà đầu tư của huyện Nam Giang.

Để đáp ứng kỳ vọng đó, hiện nay trên công trình san lấp mặt bằng, các đơn vị tham gia thi công đã huy động hơn 30 phương tiện xe máy các loại thi công liên tục để đến hết quý 1/2020 là bàn giao mặt bằng triển khai thi công các hạng mục hạ tầng thiết yếu như hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, xử lý nước thải, đường giao thông nội vùng, cây xanh và các công trình phụ trợ khác, đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư.

Kỳ vọng về sự thành công của cụm công nghiệp Thôn Hoa sẽ có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào ở miền sớn cước Nam Giang đang hiển hiện từng ngày.

Bài và ảnh: Hữu Trung
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN