Kiên Giang đặt mục tiêu đến trung tuần tháng 9 đạt trạng thái bình thường mới

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh nhấn mạnh, Kiên Giang quyết tâm cao nhất để kiểm soát dịch bệnh, chậm nhất đến 13/9 tỉnh đạt được trạng thái bình thường mới.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên địa bàn phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá (Kiên Giang).

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy phải quán triệt thực hiện các chủ trương đã chỉ đạo của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian qua, khắc phục nhanh những hạn chế, yếu kém đã được chỉ ra, không để kéo dài.

Ông Đỗ Thanh Bình yêu cầu UBND tỉnh và Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 khẩn trương thực hiện tốt kế hoạch sàng lọc tách F0 ra khỏi cộng đồng, triển khai chủ trương cách ly F1 tại nhà. Các huyện, thành phố thực hiện ngay kế hoạch theo các kịch bản tại địa bàn, những nơi phức tạp triển khai các biện pháp mạnh hơn; thực hiện tốt việc thu dung, điều trị; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu cách ly, điều trị không để bị động; thực hiện quy định về các ngành nghề hoạt động theo mức độ giãn cách, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, lưu thông hàng hóa không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Kiên Giang, từ ngày 21/6 đến 19 giờ ngày 8/9, toàn tỉnh có 2.877 trường hợp mắc COVID-19. Đánh giá nguy cơ theo Quyết định 2686 của Ban Chỉ đạo quốc gia, hiện tỉnh ở mức nguy cơ rất cao (vùng đỏ); trong đó có 7 huyện, 20 xã, phường nguy cơ rất cao (vùng đỏ); 32 xã, phường nguy cơ cao (vùng cam); 2 huyện và 1 xã nguy cơ (vùng vàng); 6 huyện và 91 xã, phường bình thường mới (vùng xanh). Căn cứ các tiêu chí của Bộ Y tế, Kiên Giang chưa kiểm soát được dịch COVID-19, chiều hướng dịch đang có xu hướng tăng, "vùng xanh" bị thu hẹp, "vùng đỏ" mở rộng thêm, đặc biệt là trên địa bàn 2 thành phố Rạch Giá, Hà Tiên và các huyện Kiên Lương, Hòn Đất.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Phó Trưởng ban Chỉ đạo - Chỉ huy trưởng Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh yêu cầu các địa phương khẩn trương hoàn thành xây dựng các khu cách ly trước ngày 15/9, đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết, chuẩn bị tốt nhân lực để quản lý, điều hành, bảo vệ, điều trị trong các khu cách ly. Các địa phương, các lực lượng chủ động truy vết khi có trường hợp mắc COVID-19, thu dung F0, cách ly F1, thí điểm cách ly F1 tại nhà; chuẩn bị bảo đảm đủ vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ yêu cầu điều trị cho bệnh nhân; xây dựng bản đồ dịch tễ theo từng địa bàn cụ thể để theo dõi, phục vụ chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch cụ thể trên bản đồ. Trên cơ sở các kế hoạch chung đã có, ngành chức năng và các địa phương cụ thể hóa thành kế hoạch theo từng cấp độ chống dịch của địa phương và chủ động khi có tình huống phát sinh trở lại ở mức độ xấu hơn.

Các địa phương khi tổ chức lại hoạt động các chợ truyền thống, các siêu thị bảo đảm vệ sinh, an toàn về phòng chống dịch; tập trung thực hiện công tác an sinh xã hội, chú ý đối tượng lao động tự do trên địa bàn và từ ngoài tỉnh trở về; bảo đảm trật tự an toàn giao thông những địa phương nới giãn cách theo Chỉ thị 15; có kế hoạch tổ chức hoạt động lại các ngành nghề, lĩnh vực được phép theo quy định của tỉnh. Các ngành, địa phương tăng cường theo dõi, quản lý các đối tượng ở các địa bàn có dịch trở về địa phương, không để sót lọt gây lây lan dịch bệnh; tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc theo kế hoạch, kể cả các “vùng xanh” cũng phải tầm soát, sàng lọc theo quy định, không được chủ quan. Các địa phương rà soát lại doanh nghiệp trên địa bàn, những doanh nghiệp khó khăn về tài chính để có hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tập trung theo dõi, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là thực hiện tốt việc tiêm vaccine phòng COVID-19…

Cùng với nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, tỉnh duy trì các hoạt động kinh tế, sản xuất, hạn chế đến mức thấp nhất việc đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trên địa bàn, tạo nguồn lực để phòng chống dịch bệnh và thực hiện an sinh xã hội, đảm bảo đời sống nhân dân.

Tỉnh xem xét ban hành quy định các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động khi áp dụng thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn theo 2 giai đoạn.

Theo đó, giai đoạn 1 triển khai sau ngày 06/9 đối với các địa phương được giảm giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ xuống mức độ giãn cách thấp hơn, các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động như: Các nhà máy, xí nghiệp hoạt động sản xuất trên cơ sở tổ chức lại hoạt động sản xuất; các hoạt động xây dựng và các cơ sở nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư xây dựng phục vụ cho hoạt động xây dựng; các hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy - hải sản; các cơ sở sản xuất kinh doanh cung ứng nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư, cây giống, con giống, dịch vụ cho các hoạt động sản xuất nông nghiệp, khai thác, đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản; các hoạt động vận tải hàng hóa lưu thông (hàng hóa thiết yếu), có thể xem xét cho hoạt động vận chuyển người ở một số khu vực nhất định; các hoạt động giáo dục - đào tạo trên cơ sở tổ chức lại hình thức tổ chức dạy và học.

Sau khi kết thúc giai đoạn 1, tỉnh quy định các ngành nghề, lĩnh vực được phép hoạt động ở giai đoạn 2, khi kiểm soát tốt dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

Tin, ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Hòa Bình, Ninh Bình áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến mới
Hòa Bình, Ninh Bình áp dụng biện pháp phòng, chống dịch theo diễn biến mới

Sau gần 50 ngày không xuất hiện ca mắc mới, ngày 8/9, UBND tỉnh Hòa Bình có Công điện số 13/CĐ-UBND về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 từng vùng trên địa bàn huyện Lương Sơn trong tình hình mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN