Tại buổi làm việc, ông Hoàng Công Thủy nhấn mạnh, Vĩnh Long nói riêng và Đồng bằng sông Cửu Long nói chung có vị trí hết sức quan trọng, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn của cả nước. Tuy nhiên, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển ở khu vực này diễn biến rất phức tạp. Những nguyên nhân chính dẫn đến tính trạng này là do ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu; tình trạng khai thác cát trái phép; tập quán sinh sống của người dân tập trung ở khu vực bờ sông.
Để công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới đạt hiệu quả, tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Trung ương nhằm nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm và hậu quả của vấn đề sụt lún, sạt lở đối với các cấp, các ngành và người dân trên địa bàn. Song song đó, tỉnh rà soát lại hệ thống sông và thống kê các hộ dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở cao để quy hoạch các khu tái định cư cho người dân, tránh tình trạng khi sạt lở rồi mới tính toán tìm khu tái định cư; chủ động hỗ trợ đời sống người dân khu vực bị ảnh hưởng sạt lở.
Tỉnh tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và các cơ sở hạ tầng quan trọng. Vĩnh Long kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng nhà ở ven sông, đặc biệt là những vùng có nguy cơ sạt lở; kiểm soát chặt chẽ vấn đề quản lý, khai thác cát; thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập ứng phó, phòng chống sạt lở và thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông.
Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2022, các loại thiên tai gây ảnh hưởng trực tiếp và làm thiệt hại trên địa tỉnh chủ yếu là dông lốc, mưa lớn, sạt lở bờ sông, triều cường. Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 87,1 tỷ đồng, tăng gần 51,7 tỷ đồng so với năm 2021. Riêng trong 7 tháng năm 2023, tổng thiệt hại do thiên tai xảy ra gần 68 tỷ đồng; trong đó toàn tỉnh đã xảy ra 98 điểm sạt lở, tăng 61 điểm so với cùng kỳ, làm mất 3.071m bờ sông, tăng 1.773m ước thiệt hại do sạt lở và sụt lún là 8,4 tỷ đồng. Trong năm 2022 và 7 tháng của năm 2023, từ các nguồn khác nhau, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ hơn 22,6 tỷ đồng cho người dân bị thiệt hại do thiên tai gây ra ổn định nơi ở và khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống, ứng phó với thiên tai của tỉnh hiện vẫn gặp nhiều khó khăn như: còn nhiều diện tích sản xuất bị ngập úng nếu gặp triều cường, lũ lớn; sạt lở bờ sông, kênh, rạch diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, diện tích đất bị mất ngày càng tăng; ứng phó với dông, lốc còn rất khó khăn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liệt cho rằng, tình trạng sạt lở bờ sông ngày càng trở nên nghiêm trọng, trong khi dự báo về sạt lở bờ sông ở Đồng bằng sông Cửu Long chưa có, gây khó khăn trong ứng phó. Để xử lý khắc phục sạt lở, kinh phí phải tốn rất nhiều nhưng nguồn lực của tỉnh còn khó khăn dẫn đến việc đầu tư xây dựng các công trình khắc phục sạt lở còn rất hạn chế, chủ yếu thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý trước mắt, mang tính tạm thời nhằm hạn chế thiệt hại.
Tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Chính phủ cần ban hành chính sách hỗ trợ thiệt hại thiên tai, hỗ trợ người dân khôi phục lại nhà ở và sản xuất riêng cho các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, Trung ương hỗ trợ công tác dự báo sạt lở bờ sông, triển khai áp dụng các đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu để giúp các tỉnh dự báo sạt lở; hỗ trợ kinh phí, phương tiện, trang thiết bị và tổ chức tập huấn, huấn luyện cho Đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã nhằm đáp ứng tốt khi có tình huống xảy ra ngay từ đầu; quan tâm hỗ trợ tỉnh đầu tư thực hiện giải pháp công trình phòng, chống sạt lở bờ sông.
Đoàn đã đến kiểm tra, khảo sát công trình Dự án Kè chống sạt lở Khu 10B thị trấn, huyện Trà Ôn.