Đồng bào Chăm có số lượng lớn nhất trong số các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, với 19.239 hộ, 85.343 khẩu, chiếm 11% dân số toàn tỉnh.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; đồng thời được sự đầu tư của Nhà nước, địa phương và sự nỗ lực vươn, đời sống kinh tế - xã hội của đồng bào nơi đây đã có nhiều khởi sắc.
Nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả
Ninh Phước là huyện có đồng bào Chăm sinh sống đông nhất tỉnh Ninh Thuận, với 11.157 hộ, 51.000 nhân khẩu, sinh sống tập trung tại 22 thôn, khu phố thuộc địa bàn 7 xã, thị trấn.
Theo Chủ tịch UBND huyện Ninh Phước Bạch Văn Nguyên, thời gian qua, huyện hỗ trợ triển khai, nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao như: mô hình trồng măng tây xanh, nho, táo, sản xuất lúa, ngô, cây rau màu theo hướng nông nghiệp công nghệ cao kết hợp chăn nuôi bò, dê, cừu; phát triển các nghề dệt thổ cẩm, làm gốm truyền thống giúp đồng bào Chăm từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Đến cuối năm 2022, huyện Ninh Phước có thu nhập bình quân đầu người đạt 64,45 triệu đồng, vượt 0,32 triệu đồng so với kế hoạch; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,48%. Đặc biệt, số hộ nghèo ở các xã vùng đồng bào Chăm giảm thấp hơn từ 1 - 2% so với tỷ lệ hộ nghèo chung toàn huyện. Năm 2023, Ninh Phước phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 71,43 triệu đồng, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,48%.
Tại thôn Thành Tín, xã Phước Hải (Ninh Phước) những vùng đất cát bán sa mạc, hoang hóa vốn khó sản xuất giờ đây đã được bao phủ bởi một màu xanh của những vườn măng tây xanh, cà chua, củ cải, đu đủ, đậu phộng tươi tốt. Những cây trồng này đã giúp người dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Chị Châu Thị Xéo, Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Châu Rế phấn khởi cho biết: Chính quyền địa phương và Hợp tác xã đã vận động, đầu tư kinh phí khoan giếng, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm và chuyển đổi sang trồng loại “rau vua” măng tây xanh cho giá trị kinh tế cao.
Hợp tác xã đang liên kết với hơn 80 hộ dân trồng măng tây xanh theo mô hình cánh đồng lớn với diện tích hơn 20 ha. Bình quân mỗi ngày, Hợp tác xã thu mua khoảng 300kg măng tây của các xã viên. Sản lượng măng tây thu hoạch không đủ cung cấp cho thị trường.
“Hợp tác xã bao tiêu thu mua măng tây xanh của xã viên với giá bình quân 45.000 đồng/kg. Hộ trồng măng tây xanh khoảng 1 sào (1.000m2) cho thu nhập ít nhất 500.000 đồng/ngày. Hộ trồng nhiều có thể thu nhập tới 2 triệu đồng/ngày. Lúc đầu, hợp tác xã có 7 hộ nghèo. Nhờ trồng măng tây xanh, đến nay, toàn bộ đã thoát nghèo và vươn lên hộ có thu nhập khá”, chị Châu Thị Xéo chia sẻ.
Gia đình chị Châu Thị Xéo canh tác 8 sào măng tây xanh kết hợp chăn nuôi bò, dê cho thu nhập trung bình trên 300 triệu đồng/năm. Chị Xéo đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022.
Với trên 4.620 hộ, hơn 19.940 khẩu, đời sống kinh tế của đồng bào Chăm ở xã Phước Hữu chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ canh tác lúa nước, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, ngành Nông nghiệp địa phương đã đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất lúa với các mô hình “1 phải, 5 giảm”, xây dựng cánh đồng lớn sản xuất lúa, thực hiện mô hình san phẳng đồng ruộng bằng tia laser, thành lập các hợp tác xã liên kết sản xuất tạo đầu ra ổn định cho nông sản.
Ông Châu Văn Tho, thành viên của Hợp tác xã kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hữu Đức cho biết: “Nhờ được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất đến hỗ trợ đầu ra, gia đình đang liên kết sản xuất 8 ha lúa với năng suất thu hoạch bình quân 50 tấn/vụ, cho doanh thu 360 triệu đồng/vụ, sản xuất 2-3 vụ lúa/năm".
Ngoài ra, gia đình ông chăn nuôi thêm bò, cho thuê máy cày, máy gặt lúa,… mang lại nguồn thu không nhỏ. Không chỉ là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, ông Tho còn thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ nhiều bà con người Chăm ở địa phương phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Cụ thể hóa chính sách phù hợp, linh hoạt với thực tế
Theo đại diện Ban Dân tộc tỉnh Ninh Thuận, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; tỉnh đã cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Trung ương phù hợp, linh hoạt với thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Chăm nói riêng tại địa phương.
Tại những xã có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống, các cấp, ngành đều triển khai các chính sách dân tộc công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng đối tượng. Các phong trào do Trung ương và địa phương phát động như: Chung sức xây dựng nông thôn mới, thi đua yêu nước, giảm nghèo, toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng nếp sống văn minh trong cưới hỏi, tang ma, lễ hội đã tạo được sự đồng thuận, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia.
Các địa phương phát triển nhiều hình thức tổ chức tự quản hiệu quả như: Tộc họ người Chăm không có người vi phạm pháp luật, Làng Chăm bình yên, Ban phong tục gương mẫu, Câu lạc bộ phòng, chống tội phạm, tổ hòa giải cơ sở, vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào Chăm được phát huy hiệu quả.
Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Chăm không ngừng được nâng lên. Tình hình an ninh, trật tự được giữ vững. Đến nay, 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã. Tất cả vùng đồng bào Chăm được sử dụng điện, có trạm y tế, có nhà văn hóa xã. Các thôn, khu phố vùng đồng bào Chăm đều có trường mẫu giáo tiểu học. Đặc biệt, 11/13 xã vùng đồng bào Chăm đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới (chiếm 84,61%).Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào được gìn giữ và phát huy.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào Chăm cũng gặp không ít khó khăn do điều kiện tự nhiên khó khăn, ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nguồn lực đầu tư còn hạn chế dẫn đến tốc độ phát triển kinh tế còn chậm so với mặt bằng chung của tỉnh. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn cao.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Long Biên cho biết, năm 2023, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư để lồng ghép thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi nói chung và vùng đồng bào Chăm nói riêng. Tỉnh tập trung thực hiện có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Từ nay đến năm 2025, Ninh Thuận dự kiến huy động trên 2.780 tỷ đồng nguồn vốn từ Trung ương, ngân sách địa phương, vốn tín dụng và nguồn vốn xã hội hóa để tập trung đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư, hỗ trợ các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai, đặc biệt khó khăn; giải quyết các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,… để người dân có thêm điều kiện phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống.
Tỉnh chú trọng đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tại các vùng đồng bào Chăm và các dân tộc thiểu số trên địa bàn để cùng liên kết, hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn.
Các ngành chức năng tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Các mô hình sản xuất hiệu quả được nhân rộng, giúp bà con phát triển sinh kế, nâng cao thu nhập.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục thực hiện Đề án phát triển cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số trong tình hình mới. Tỉnh mở lớp đào tạo tiếng Chăm cho cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các địa phương có đông đồng bào Chăm sinh sống để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới người dân nhằm góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng tại các địa phương.
Ninh Thuận phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, giảm hộ nghèo hàng năm từ 1,5-2%; trong đó giảm hộ nghèo khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi bình quân trên 3%/năm theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.