Đồng hành cùng người lao động
Không như mọi năm phải đến hết rằm tháng giêng thì công nhân của Công ty TNHH Yakjin Việt Nam, tại khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì mới đi làm đẩy đủ trở lại. Năm nay, ngay từ ngày mùng 5 Tết, trên 4.500 công nhân lao động của công ty đã đi làm đầy đủ, không có tình trạng nghỉ việc hay “nhảy việc” như mọi năm.
Trong khí thế sản xuất tưng bừng đầu năm mới, chị Nguyễn Thị Lý, làm việc tại bộ phận may phấn khởi cho biết sẽ cố gắng, quyết tâm thi đua lao động sản xuất ngay từ đầu năm mới để hoàn thành nhiệm vụ, cùng đồng hành, góp phần vào sự phát triển vững mạnh của công ty.
Chị Phạm Thị Ánh Ngọc, Chủ tịch công đoàn cơ sở công ty cho biết, để người lao đông yên tâm làm việc, trước Tết công đoàn cơ sở đã phối hợp với Ban lãnh đạo Công ty tổ chức Chương trình “Tết sum vầy” cho đoàn viên, công nhân lao động tạo không khí phấn khởi, đoàn kết trong công ty.
Ngoài số tiền thưởng Tết với mức 115% lương cơ bản, công đoàn công ty cũng hỗ trợ thêm nhiều suất quà cho các trường hợp công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn để động viên tinh thần, giúp người lao động đón Tết đầy đủ hơn. Sự quan tâm từ tổ chức công đoàn và lãnh đạo công ty chính là sợi dây kết nối để người lao động yên tâm gắn bó với doanh nghiệp, không có tình trạng nhảy việc, nghỉ việc sau Tết.
Hòa chung với không khí khai Xuân đầu năm mới của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đến ngày 19/2 (tức mùng 8 tháng Giêng theo âm lịch), gần 1.500 cán bộ, công nhân lao động của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Sơn Hà Phú Thọ tại Cụm công nghiệp làng nghề Hoàng Xá, xã Hoàng Xá, huyện Thanh Thủy cũng đã đi làm đầy đủ.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, Giám đốc điều hành công ty cho biết, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, song với sự nỗ lực của toàn thể đội ngũ lãnh đạo, cán bộ, công nhân lao động vừa đẩy mạnh sản xuất vừa đảm bảo phòng dịch, ngày ngày đầu năm mới 2021, công ty đã ký kết được nhiều hợp đồng, nhiều đơn đặt hàng, tạo việc làm ổn định cho người lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 6 triệu đồng/người/ tháng.
Theo ông Phạm Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn lao động tỉnh Phú Thọ, toàn tỉnh có trên 153.600 công nhân, viên chức, lao động; trong đó có gần 130.000 đoàn viên công đoàn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít nhiều gặp khó khăn, một số doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống cũng như thu nhập của đoàn viên, người lao động.
Cùng với đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, các cấp công đoàn cũng thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo các chế độ phúc lợi cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn.
Trung bình mỗi năm, đã có hàng nghìn suất quà hỗ trợ được trao đến tay người lao động và con của người lao động có hoàn cảnh khó khăn vào các dịp lễ, Tết, Tháng Công nhân hoặc trong những trường hợp đột xuất với tổng giá trị lên tới hàng tỷ đồng; các cấp công đoàn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, hội thảo, tọa đàm… thu hút đông đảo người lao động tham gia.
Năm 2020, tỉnh có 33 đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở được Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng và sửa chữa từ nguồn Quỹ “Mái ấm Công đoàn” với tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng; giải ngân vốn vay đối với 24 dự án đủ điều kiện từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm và Quỹ Trợ vốn cho đoàn viên công đoàn với tổng số tiền trên 4,6 tỷ đồng cho 181 đoàn viên vay nhằm hỗ trợ giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ, dịch COVID-19 đã làm cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn trong hơn một năm qua. Nhiều đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh do bị hoãn, hủy đơn hàng, giãn tiến độ giao hàng và chậm thanh toán ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp ở tỉnh.
Một số doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, cho người lao động nghỉ ngừng việc; nhiều doanh nghiệp chậm tiến độ đầu tư, chưa đi vào sản xuất, không tạo doanh thu theo dự kiến, chưa thực hiện tuyển dụng lao động theo đúng kế hoạch. Không ít doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn, nợ tiền thuê đất, hạ tầng, nợ ngân hàng, bảo hiểm, thuế, lương và chế độ của người lao động.
Ông Trịnh Thế Truyền, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cho biết, để hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt qua khó khăn do đại dịch, UBND tỉnh Phú Thọ đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối, chủ động liên hệ với các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp và Ban quản lý các khu công nghiệp là đầu mối chủ động liên hệ với các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các sở, ngành và đơn vị có liên quan tìm hướng giải quyết, hỗ trợ kịp thời, phù hợp các doanh nghiệp gặp khó khăn.
Đồng thời, Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ cũng chủ động để xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức khảo sát nhanh các doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực sản xuất để đánh giá tác động và đề xuất các hành động hỗ trợ cho doanh nghiệp nhằm đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh.
Để đón các nhà đầu tư mới, tỉnh Phú Thọ đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công hạ tầng các khu công nghiệp mới; tăng cường duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hạ tầng các khu công nghiệp hiện hữu, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về điện, nước, xử lý nước thải, viễn thông.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục rà soát, đổi mới quy trình, rút ngắn thời gian và nâng cao hiệu quả thực hiện các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cơ bản; đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đặc biệt là cơ chế tài chính để tháo gỡ điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch cho các dự án đầu tư.
Tỉnh cũng sẽ ưu tiên thu hút các dự án lớn, có tiềm năng, bao gồm cả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng trọng điểm, phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài ra, tỉnh tập trung thu hút các tập các tập đoàn kinh tế lớn, nhà đầu tư theo chuỗi, nhất là các lĩnh vực tiềm năng của tỉnh (có công nghệ cao, mới, sạch, tiết kiệm năng lượng) sử dụng nguyên liệu, linh kiện sản xuất trong nước có cam kết chuyển giao công nghệ, đào tạo sử dụng nhân lực tại chỗ.