Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp Phổ biến giáo dục pháp luật Hải Dương đã biểu dương, ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của các tổ chức và cá nhân trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở; đồng thời đề nghị, các địa phương tiếp tục quan tâm, tổ chức các hoạt động liên quan đến tuyên truyền, giáo dục phổ biến pháp luật trên cơ sở cụ thể hóa bằng các chương trình, kế hoạch phù hợp, không cứng nhắc.
Các địa phương cần kết hợp tốt giữa hòa giải và công tác quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao hiệu quả các hoạt động. Mỗi địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, lãnh đạo để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền trong tuyên truyền ý thức pháp luật và phổ biến pháp luật ở cơ sở; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; hỗ trợ kinh phí cho các tổ hòa giải ở cơ sở, kịp thời phát hiện nhân rộng các mô hình hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả hơn.
Trong 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở (từ năm 2013 đến nay), toàn tỉnh có 1.249 tổ hòa giải với 9.601 hòa giải viên. Các tổ hòa giải đều có sự tham gia của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng các chi hội, Đoàn thanh niên và những người có uy tín, các thẩm phán, luật sư đã về hưu...
Các tổ hòa giải đã tiếp nhận trên 16.000 vụ việc; trong đó, hòa giải thành công 14.699 vụ việc (đạt 88%), 2.005 vụ hòa giải không thành (chiếm 12%), không có vụ việc tồn đọng. Một số địa phương có tỷ lệ hòa giải thành công cao như huyện Cẩm Giàng, huyện Ninh Giang, thành phố Chí Linh.
Các mâu thuẫn, tranh chấp được hòa giải chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai, dân sự, hôn nhân và gia đình; mâu thuẫn giữa các bên do khác nhau về quan niệm, lối sống, lối đi chung, giờ giấc sinh hoạt, vệ sinh chung hoặc các lý do khác. Nguyên nhân của những vụ việc hòa giải không thành công chủ yếu là do sự thiếu hợp tác giữa các bên tranh chấp. Ngoài ra còn do nguồn gốc, chính sách đất đai, một số vụ việc thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết dẫn đến việc hòa giải khó thành công.
Toàn tỉnh có 12 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai mô hình hòa giải điểm. Tiêu biểu như mô hình "Tổ hòa giải 5 tốt" và "Nông dân với trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật" tại xã Ngọc Liên (huyện Cẩm Giàng); "Phụ nữ với pháp luật" tại xã Ngũ Phúc (huyện Kim Thành); "Liên kết đảm bảo an ninh trật tự giữa Công an xã, thị trấn với các tổ hòa giải cơ sở" ở huyện Thanh Miện...
Việc xây dựng mô hình hòa giải điểm góp phần nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên, tăng cường sự phối hợp của các đơn vị ở địa phương trong công tác hòa giải. Từ đó, xây dựng tiêu chí chuẩn tiếp cận pháp luật trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu ở các địa phương.
Tuy nhiên, trong quá trình hòa giải ở cơ sở vẫn bộc lộ nhiều hạn chế như: Cấp ủy, chính quyền chưa thực sự coi trọng, còn xem nhẹ công tác hòa giải ở cơ sở. Việc thành lập, kiện toàn tổ hòa giải ở một số nơi còn chưa kịp thời, chưa đảm bảo quy trình nên hiệu quả chưa đồng đều ở các địa phương. Công tác hòa giải ở một số nơi chưa đi vào chiều sâu, chất lượng còn hạn chế; một số tổ hòa giải hoạt động còn mang tính hình thức. Ngoài ra, kinh phí cho công tác hòa giải ở nhiều địa phương còn gặp khó khăn nên chưa động viên kịp thời cho hòa giải viên khi thực hiện nhiệm vụ.
Tại Hội nghị, UBND tỉnh Hải Dương đã tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho 10 tập thể và 15 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong 10 năm triển khai thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2013 - 2023.
Sở Tư pháp tỉnh tặng Giấy khen cho 24 cá nhân và 12 tập thể có thành tích tiêu biểu trong thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
Ban Tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 10 giải Khuyến khích cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong Cuộc thi tìm hiểu pháp luật trực tuyến đợt 1 và đợt 2 năm 2023.