Hương vị bánh chưng Thủy Đường

Những chiếc bánh chưng gói bằng tay chắc, dền, hương bánh đặc trưng chính là nét độc đáo, quyến rũ của bánh chưng xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Ảnh minh họa


Nghề làm bánh chưng ở xã Thủy Đường đã có từ hàng trăm năm trước. Tương truyền, đất làng này là đất phù sa nên nước giếng làng ngọt, thanh mát. Giống lúa nếp cái hoa vàng ở đây cũng thơm và đậm đà hơn ở các nơi khác. Điểm khác biệt lớn nhất của bánh chưng ở đây là gói bằng tay. Gia đình bác Nguyễn Tất La, thôn Bấc 2 là một trong những hộ sản xuất bánh chưng chuyên nghiệp của Thủy Đường cho biết, nghề gói bánh chưng được truyền đến đời bác là 4 đời.

Bánh gói bằng tay với 4 lớp lá nên chặt và chắc tay. Do lớp lá dầy nên thời gian ninh bánh khá dài, khoảng 10 giờ, nước ít bị ngấm vào trong, bánh giữ vị thơm nhiều hơn, khi ăn bánh rất chắc nhưng lại có độ dền, dẻo. Mùi lá chuối, lá dong quyện với mùi gạo nếp thơm, thịt mỡ, đỗ tạo vị ngon khó quên, nhất là khi ăn kèm với dưa hành, thịt đông. So với bánh chưng gói bằng khuôn ninh khoảng 5 giờ, bánh dễ bị vỡ do lớp lá ít, nước dễ ngấm vào trong, bánh gói bằng tay hương vị, độ ngon khác hẳn.

Bây giờ không còn gạo nếp cái hoa vàng, không còn giếng nước làng, nhưng gạo nếp vẫn được chọn lựa rất cẩn thận, còn các quy trình khác vẫn giữ nguyên. Sau khi ngâm gạo nếp khoảng 30 phút - 1 giờ, tùy thời tiết, gạo nếp vớt ra, để ráo nước, đỗ xanh để sống, thịt lợn trần qua nước sôi, để ráo, sau đó ướp muối, tiêu bắc.

Khi các nguyên liệu đã sẵn sàng, người gói bánh xếp lớp lá chuối trong cùng, rồi đến lá dong, cho nguyên liệu lên trên, một lớp gạo, lớp đậu xanh, lớp thịt, lớp đậu xanh, lớp gạo. Gói theo cách này gọi là bánh 3 thanh. Nếu làm thêm một lớp đậu xanh, một lớp thịt nữa gọi là bánh 5 thanh.

Bánh gói xong được ninh trong khoảng 10 giờ, sau đó vớt ra ngâm nước lạnh, cho vào ván ép. Với quy trình gói như vậy, bánh có thể để được từ 15-30 ngày. Bánh để lâu ngày, trước khi ăn cho lên bếp than nướng cháy hết vỏ bánh sẽ có ruột bánh rất thơm, ngon. Bác La cho biết thêm, bánh truyền thống gói hoàn toàn bằng mỡ phần, hương vị thơm riêng biệt. Tuy nhiên, để phù hợp với khẩu vị của khách hàng, nhân bánh bây giờ chủ yếu làm bằng thịt ba chỉ.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Thủy Đường cho biết, hiện ở xã có khoảng 40 hộ làm bánh chưng, trong đó có 20 hộ làm bánh chuyên nghiệp. Nghề làm bánh chưng truyền thống đem lại thu nhập tương đối tốt cho các hộ gia đình. Ngày bình thường, mỗi hộ bán được khoảng 4.000 - 5.000 chiếc.

Những ngày cao điểm trong dịp Tết nguyên đán, mỗi hộ bán từ 8.000- 15.000 chiếc, giá bánh từ 50.000- 100.000 đồng/chiếc, tùy loại. Bánh chưng Thủy Đường chủ yếu bán cho người tiêu dùng Hải Phòng, số ít được người mua gửi biếu thân nhân ở tỉnh khác và ở nước ngoài.

Bà Hà cũng cho biết, tuy bánh chưng Thủy Đường có truyền thống lâu đời và là đặc sản nổi tiếng của Hải Phòng, song việc sản xuất của các hộ vẫn chỉ là tự phát. Xã chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm cho bánh chưng Thủy Đường. Bà mong muốn xã sẽ nhận sự hướng dẫn từ các đơn vị chức năng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm bánh chưng thành công, góp phần giữ nét đẹp truyền thống của người dân trong xã, giữ được sản phẩm đặc thù của Hải Phòng, đồng thời giới thiệu hương vị bánh chưng truyền thống của đất Cảng đến với bạn bè trong và ngoài nước.


Minh Thu
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN