Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên, năm 2024, toàn tỉnh có trên 4.800 ha nhãn, tập trung ở thành phố Hưng Yên và các huyện Khoái Châu, Tiên Lữ, Kim Động, Ân Thi. Các giống nhãn chủ yếu được trồng là nhãn đường phèn, nhãn hương chi, nhãn miền thiết, nhãn T6, nhãn siêu ngọt... Đến thời điểm này, tỷ lệ cây ra hoa đạt khoảng 70% diện tích.
Ngành nông nghiệp Hưng Yên khuyến cáo, nhãn đã bắt đầu nở hoa và đậu quả non, do vậy người dân cần chú ý bón bổ sung dinh dưỡng cho cây; đồng thời kết hợp cùng với phun phòng trừ sâu, bệnh nhằm giảm rụng quả non, tăng tỷ lệ đậu quả cho cây.
Thành phố Hưng Yên là một trong những vùng trồng nhãn đặc sản quy mô lớn của tỉnh, với diện tích trên 1.000 ha, tập trung ở các xã Hồng Nam, Phương Chiểu, Tân Hưng, Quảng Châu; trong đó có nhiều giống nhãn ngon đặc sản, giá trị kinh tế cao như cùi cổ, đường phèn, hương chi... Đến thời điểm này, tỷ lệ nhãn ra hoa của thành phố đạt khoảng 80% diện tích.
Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên hiện có 23 thành viên, với diện tích sản xuất trên 18 ha. Hiện các thành viên đang tích cực chăm sóc để cây ra hoa đạt tỷ lệ cao.
Giám đốc Hợp tác xã sản xuất nhãn lồng Nễ Châu Trần Thị Bắc cho biết, trên 80% diện tích nhãn của Hợp tác xã đã bắt đầu nở hoa, đây là giai đoạn quyết định sự thành bại của vụ nhãn nên Hợp tác xã thường xuyên theo dõi, hướng dẫn thành viên cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây.
Theo bà Trần Thị Bắc, những năm gần đây, Hợp tác xã luôn chú trọng việc sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng của quả nhãn. Do vậy, Hợp tác xã luôn khuyến khích các thành viên chuyển từ sản xuất VietGap sang sản xuất hữu cơ. Phương pháp này không chỉ bảo vệ sức khỏe của người trồng mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập.
"Phân bón cho cây chủ yếu từ các sản phẩm ngâm ngô, đỗ, cá… được ủ sinh phẩm, khử mùi hôi tanh rồi hòa nước và tiến hành tưới gốc cây. Năm 2021, Hợp tác xã bắt đầu trồng thí điểm, đến nay đã nhân rộng với 6 hộ tham gia, với diện tích trên 2 ha. Hợp tác xã đang hướng tới toàn bộ các thành viên chăm sóc nhãn theo hướng hữu cơ", bà Trần Thị Bắc chia sẻ.
Những ngày này, vườn nhãn rộng hơn 4.000 m2 của gia đình ông Trịnh Văn Cương, xã Hồng Nam, thành phố Hưng Yên đã bung nở. Hiện gia đình ông đang tích cực chăm sóc để cây ra hoa, đậu quả đạt tỷ lệ cao.
Ông Cương cho biết, chăm sóc nhãn là việc quanh năm nhưng khi cây đang kỳ ra hoa, nở nhụy là thời kỳ đặc biệt quan trọng, quyết định tỷ lệ đậu quả của cây, do vậy, tùy vào tình hình sinh trưởng, số năm tuổi của cây để bón phân, chăm sóc một cách hợp lý. Để nhãn cho năng suất cao thì cần có sự kết hợp giữa kinh nghiệm truyền thống và kỹ thuật chăm sóc hiện đại, đặc biệt phải bảo đảm dinh dưỡng phù hợp cho cây khỏe. Ở thời điểm này, cây nhãn thường hay mắc bệnh sương mai, thán thư và các loại sâu hại, bọ xít, do đó, người trồng cần đặc biệt lưu ý đến việc phòng, trừ sâu bệnh cho cây.Theo ông Trịnh Văn Cương, ngoài sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cho phép để phòng trừ sâu bệnh cho cây, những năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình đã chuyển sang trồng nhãn theo phương pháp hữu cơ. Trồng nhãn theo phương pháp hữu cơ chủ yếu sử dụng chế phẩm nano bạc, được pha cùng hỗn hợp xay gừng, tỏi, ớt phun trên lá, trên thân để phòng trừ sâu bệnh. Tuy nhiên, việc chăm cây nhãn theo phương pháp hữu cơ tốn nhiều công sức và thời gian hơn so với nhãn trồng đại trà.