Hậu Giang: Khẩn trương bàn giao, đưa vào sử dụng sớm nhất dự án đầu tư công

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang đã ban hành quyết định về việc thành lập 10 Tổ công tác chỉ đạo giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Hậu Giang. Tuy nhiên, việc giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đạt như mong đợi.

Chú thích ảnh
Các dự án thi công lại sau thời gian giãn cách xã hội do COVID-19. Ảnh tư liệu: Duy Khương/TTXVN

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc các chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; chủ động rà soát và báo cáo các vướng mắc trong quá trình triển khai, đảm bảo đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ được phê duyệt; cùng với đó, kiên quyết cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022.

Cụ thể, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, chủ đầu tư, Kho bạc Nhà nước tỉnh rà soát, tham mưu UBND tỉnh cắt giảm, điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương) của các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, các dự án không có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao trong năm 2022 sang các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung vốn.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Tổ trưởng Tổ công tác chỉ đạo giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công số 10 đề nghị, đối với những dự án khởi công mới, các chủ đầu tư trong tổ lưu ý chọn lựa đơn vị tư vấn có năng lực để khâu lập dự án được nhanh chóng. Chủ đầu tư bám sát tiến độ thực hiện các dự án được giao. Đối với những công trình hoàn thành, phải khẩn trương quyết toán, bàn giao đưa vào sử dụng trong thời gian sớm nhất. Đồng thời, khẩn trương giải ngân hết số vốn kéo dài từ năm 2021 sang năm 2022. Các chủ đầu tư phân công cán bộ kiểm tra, giám sát tiến độ, chất lượng, trình tự thủ tục, hồ sơ từng dự án, đảm bảo chặt chẽ, đúng quy định; có kế hoạch cụ thể đảm bảo thời gian thực hiện và giải ngân vốn.

Để đảm bảo tiến độ giải ngân trong thời gian tới đạt tiến độ đề ra, theo bà Nguyễn Thị Màu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hậu Giang, tỉnh phấn đấu giải ngân các nguồn vốn được giao, với quyết tâm cao nhất thực hiện mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công kế hoạch năm 2022 (bao gồm kế hoạch vốn năm 2021 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022).

Theo đó, tỉnh xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2022 của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị ở địa phương; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy vai trò của người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; thường xuyên rà soát, đôn đốc, kịp thời phát hiện và tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh của từng dự án, nhất là các dự án trọng điểm; nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Cụ thể, các dự án hoàn thành năm 2022, các chủ đầu tư tập trung tối đa nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, hoàn thiện các hạng mục công trình, hoàn thành công tác nghiệm thu, thanh toán và giải ngân vốn cho nhà thầu; khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành gửi cơ quan tài chính thẩm định, trình phê duyệt theo thẩm quyền.

Đối với các dự án chuyển tiếp, chủ đầu tư tăng cường đôn đốc nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, đặc biệt là các dự án chuyển tiếp có khả năng hoàn thành, bàn giao trong năm 2022 nhằm phát huy hiệu quả đầu tư; tập trung hoàn thiện các thủ tục pháp lý, nghiệm thu khối lượng hoàn thành để giải ngân cho nhà thầu.

Các dự án khởi công mới thì đẩy nhanh việc triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư đúng quy định; các dự án chưa được phê duyệt Quyết định đầu tư, các đơn vị khẩn trương trình cấp có thẩm quyền phê duyệt Quyết định đầu tư, gửi danh mục đã đầy đủ thủ tục và kèm theo Quyết định đầu tư về Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình cấp có thẩm quyền phân bổ vốn chi tiết cho dự án nhằm đảm bảo thời gian giải ngân kế hoạch vốn và tiến độ thực hiện dự án...

Cùng với đó, các chủ đầu tư phối hợp với Trung tâm Phát triển Quỹ đất các cấp và các đơn vị có liên quan khẩn trương giải quyết kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng để bàn giao mặt bằng, đảm bảo tiến độ thi công theo quy định. Cũng như phải kiên quyết xử lý nghiêm và kịp thời các nhà thầu vi phạm tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, vi phạm các điều khoản hợp đồng đã ký kết; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

Các chủ đầu tư chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 của các dự án chậm tiến độ sang các dự án khác có tỷ lệ giải ngân cao và có nhu cầu bổ sung vốn. Đồng thời xây dựng, đăng ký kế hoạch giải ngân chi tiết theo từng tháng đối với từng dự án, công trình, hạng mục công trình do đơn vị, địa phương làm chủ đầu tư gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để theo dõi, tổng hợp nhằm tăng cường đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh Hậu Giang là hơn 3.281 tỷ đồng, cao hơn 468 tỷ đồng so với kế hoạch giao đầu năm 2021. Trong số vốn hơn 3.005 tỷ đồng phân bổ chi tiết cho các dự án, có 320 dự án chuyển tiếp được bố trí hơn 2.268 tỷ đồng, tỷ lệ 75,47% kế hoạch, các dự án đã hoàn thành thủ tục đang triển khai, đây là điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.

Theo báo cáo đến đầu tháng 3/2022, tỉnh Hậu Giang giải ngân vốn đầu tư công tổng khối lượng thực hiện hơn 384 tỷ đồng, đạt 12,78% kế hoạch, thấp hơn 10,4% so với cùng kỳ. Giá trị giải ngân đạt hơn 330 tỷ đồng, đạt 10,98% kế hoạch, thấp hơn 12,2% so với cùng kỳ.

Như đối với Tổ công tác chỉ đạo giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công số 10, tổng kế hoạch vốn đầu tư công UBND tỉnh giao cho các chủ đầu tư là trên 1.300 tỉ đồng, giải ngân đạt khoảng 5,7% kế hoạch. Vốn năm 2021 kéo dài sang năm 2022 là 99 triệu đồng, hiện nay vẫn chưa giải ngân.

Trong đó, có việc thực hiện công tác kiểm kê của các đơn vị có liên quan thường xuyên xảy ra tình trạng thiếu sót về số lượng cây trồng, vật kiến trúc và các chính sách áp dụng, nên khi phê duyệt phương án, người dân yêu cầu bổ sung dẫn đến kéo dài thời gian phê duyệt, ảnh hưởng rất lớn đến mặt bằng thi công, tiến độ công trình. Ngoài ra, nhiều hộ dân tại các vị trí thi công một số công trình đợi nhà thầu đóng cọc khoảng 60-70% thì yêu cầu phải bồi thường hết nhà do đóng cọc ảnh hưởng thì mới đồng ý cho nhà thầu thi công tiếp. Nhiều hộ dân thì yêu cầu xác định rõ vị trí nền tái định cư cho hộ dân thì mới đồng ý bàn giao mặt bằng.

Đặc biệt năm 2022, chủ đầu tư đã bố trí đủ vốn cho dự án, nếu trước tháng 4/2022 vẫn chưa thể giải quyết triệt để các trường hợp vướng mặt bằng thi công còn lại, rất khó để hoàn thành dự án và giải ngân 100% nguồn vốn trong năm 2022.

Hồng Dân (TTXVN)
Giải ngân vốn đầu tư công: Chậm ngày nào mất cơ hội phục hồi ngày đó
Giải ngân vốn đầu tư công: Chậm ngày nào mất cơ hội phục hồi ngày đó

Xác định rõ để giải ngân vốn đầu tư công chậm ngày nào sẽ là mất cơ hội phục hồi ngày đó, Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành, địa phương quyết tâm cao nhất phấn đấu giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN