Diễn đàn có chủ đề “Trẻ em tham gia xây dựng môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh cho trẻ em” do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh Đoàn Hải Dương phối hợp tổ chức thu hút hơn 130 em đại diện cho trên 488.000 trẻ em của tỉnh tham dự.
Tại chương trình, các tiểu phẩm do học sinh đến từ Trường Trung học Cơ sở Hiệp An (thị xã Kinh Môn), Trường Trung học Cơ sở Lê Hồng Phong (thành phố Hải Dương), Trường Trung học Cơ sở Hưng Đạo (huyện Tứ Kỳ) gửi gắm thông điệp, cách giải quyết và khuyến nghị đến các cấp, ngành. Bên cạnh đó, các em đã đối thoại, đưa ra kiến nghị với lãnh đạo ngành, lãnh đạo tỉnh về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Những nhóm vấn đề tại đối thoại chủ yếu gồm: Giải pháp phòng ngừa, bảo vệ trẻ em trước tình trạng bị bạo lực, bạo lực học đường, xâm hại tình dục; phòng ngừa tai nạn thương tích với trẻ em; đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ; giải pháp để đảm bảo thực hiện quyền trẻ em…
Trước câu hỏi giải pháp nào phòng, chống đuối nước cho trẻ em của em Lê Diệp Bình, học sinh lớp 5C Trường Tiểu học Chu Văn An, thành phố Chí Linh, ông Nguyễn Trường Thắng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, toàn tỉnh hiện có 206 bể bơi nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bơi của trẻ em. Giải pháp cho vấn đề này, theo ông Nguyễn Trường Thắng, Sở sẽ đề xuất tỉnh tăng cường kinh phí xây dựng ao bơi, đẩy mạnh xã hội hóa cải tạo ao bơi. Về lâu dài, Sở phối hợp với các ngành để đưa dạy bơi thành hoạt động thường xuyên trong giáo dục thể chất cho học sinh.
Em Đặng Thị Thanh Vân, học sinh lớp 8A, Trường Trung học Cơ sở Hưng Đạo, huyện Tứ Kỳ băn khoăn: “Làm sao bảo vệ bản thân trước những tác động tiêu cực từ môi trường mạng, tình trạng bắt nạt trên mạng xã hội?” Ông Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, để bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, cơ quan quản lý nhà nước đang tăng cường tuyên truyền để mỗi người có nhận thức đúng trong quá trình tham gia môi trường mạng; xây dựng các phần mềm để chặn thông tin xấu độc trên mạng; tăng cường rà soát và yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ bóc gỡ nội dung độc hại; xây dựng tổng đài đường dây nóng hỗ trợ trẻ em… Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên môi trường mạng với nhiều nội dung cụ thể. Ông Nguyễn Văn Nhật mong muốn, các gia đình, nhà trường sâu sát với trẻ em để kịp thời hỗ trợ, bảo vệ các em. Các em tự học hỏi để có hiểu biết đúng đắn khi tham gia môi trường mạng.
Em Nguyễn Thảo My, học sinh Trường Trung học Cơ sở Tân Trường, huyện Cẩm Giàng đặt câu hỏi về giải pháp để trẻ không trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm của bạo lực học đường?
Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương cho biết, bạo lực học đường những năm gần đây giảm nhưng vẫn còn nguy cơ tiềm ẩn. Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh, phối hợp với các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong nhà trường; chỉ đạo các trường xây dựng môi trường an toàn, thân thiện, lành mạnh, thấu hiểu; tăng cường kiểm tra, giám sát để phòng ngừa bạo lực học đường. Để các em không trở thành nạn nhân hoặc thủ phạm của bạo lực học đường, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị, các em tự xây dựng lối sống văn minh, chấp hành nội quy của trường lớp; kiềm chế cảm xúc. Nhà trường cần trang bị kỹ năng cần thiết cho trẻ, tổ chức hoạt động văn thể mỹ phù hợp với học sinh…
Tại chương trình, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương Nguyễn Minh Hùng cho biết, từ năm 2016 đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hai kỳ diễn đàn trẻ em cấp tỉnh. Với tinh thần “Trẻ em lên tiếng, trẻ em khởi xướng, trẻ em cùng hành động”, thông qua các diễn đàn, trẻ em đã bày tỏ ý kiến, mong muốn, hiến kế về những vấn đề liên quan đến trẻ em, từ đó giúp đảm bảo tốt hơn việc thực hiện quyền tham gia của trẻ. Thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc thực hiện chính sách về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác này...