Thành phố Hải Phòng có 15 quận, huyện trực thuộc, trong đó có hai huyện đảo là Cát Hải và Bạch Long Vĩ.
Bạch Long Vĩ có diện tích 2,5 km2 nằm xa bờ nhất trên Vịnh Bắc bộ. Đảo vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng và lãnh hải, lãnh thổ quốc gia.
Trước năm 1993, đây là đảo quân sự. Thực hiện lời kêu gọi tuổi trẻ lập nghiệp giữ nước của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, từ tháng 3/1993, hơn 60 đoàn viên thanh niên Việt Nam thuộc các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định tình nguyện đi xây dựng huyện Đảo Bạch Long Vĩ.
Thời điểm đó, đảo chưa có các công trình hạ tầng dân sinh. Mọi nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống đều phụ thuộc vào đất liền, khí hậu khắc nghiệt, phương tiện giao thông phục vụ đi lại, vận chuyển giữa đất liền với đảo rất khó khăn.
Từ những mảnh đất khô cằn, thanh niên xung phong đã cùng quân dân huyện đảo xây dựng một loạt các công trình hạ tầng phục vụ di dân ra đảo lập nghiệp như: nhà ở, đường giao thông, trung tâm y tế, nhà trẻ, công viên, đất đá để trồng cây mang đến màu xanh, đẩy lùi những vạt cát đá, xương rồng. Sau 30 năm xây dựng, phát triển, huyện đảo Bạch Long Vĩ phát triển vượt bậc với các dự án quan trọng xây dựng đảo như dự án cải tạo nhà ở, nhà khách, hội trường Thanh niên xung phong; dự án xây dựng Trung tâm Văn hóa thể thao thanh thiếu nhi; dự án xây dựng mạng điện cáp ngầm và trạm phát điện sức gió.
Bà Trần Thị Hoàng Mai, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng cho biết, cùng với đảo Bạch Long Vĩ, Hải Phòng còn có bán đảo Đồ Sơn, một trong những địa danh du lịch nổi tiếng của cả nước. Mảnh đất này còn là nơi xuất phát của Đoàn tàu Không số, làm nên đường Hồ Chí Minh trên biển huyền thoại. Đặc biệt, đảo Cát Hải là đảo cát duy nhất ở vùng biển và ven bờ Việt Nam. Quần đảo Cát Bà - Long Châu có 388 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Vịnh Lan Hạ là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới nối liền với Vịnh Hạ Long. Hiện tại, Vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà đang đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vinh danh là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Ông Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho rằng, việc khai thác giá trị văn hóa biển đảo trong phát triển du lịch tại Hải Phòng có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Cụ thể như, du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa cộng đồng cư dân sống ven biển như tại các xã Việt Hải, Xuân Đám, Hiền Hòa, Gia Luận (huyện Cát Hải) và trên các đảo được du khách, nhất là du khách quốc tế quan tâm. Người dân các xã vừa cung cấp dịch vụ như cho thuê xe đạp, cho thuê phòng nghỉ vừa trở thành hướng dẫn viên.
Cùng với các trải nghiệm này, các lễ hội, hoạt động tín ngưỡng có sức hấp dẫn rất lớn với du khách như tại quận Đồ Sơn có Lễ hội chọi trâu, lễ hội đảo Dáu, lễ hội đền Bà Đế, lễ hội đua thuyền rồng trên biển. Huyện Cát Hải có các lễ hội đặc trưng như lễ hội Xa Mã, lễ hội làng cá Cát Bà. Các hoạt động khác như câu mực đêm, trải nghiệm ngủ đêm trên du thuyền Vịnh Lan Hạ, tham quan làng chài thu hút nhiều du khách.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng Lê Khắc Nam, là mảnh đất có nhiều hoạt động tín ngưỡng, lễ hội phong phú mang nét văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời cũng thể hiện nét văn hóa đặc sắc vùng biển xứ Đông, nhiều lễ hội của Hải Phòng được biết đến, trong đó không thể không nhắc đến Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn. Đây là lễ hội đặc sắc mang tính chất toàn quốc mà hiếm vùng biển nào có. Văn hóa biển, đảo Hải Phòng vừa thể hiện tính hào hùng quật khởi trong bảo vệ Tổ quốc, giải phóng dân tộc, gắn với hình tượng Nữ tướng Lê Chân, Anh hùng dân tộc Đức vương Ngô Quyền và ba trận thủy chiến làm nên những trang sử hào hùng trên Bạch Đằng Giang. Biển, đảo đã mang lại thế mạnh, tiềm năng to lớn để Hải Phòng phát triển kinh tế, đặc biệt là phát triển du lịch.
Để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa biển đảo trong phát triển du lịch theo hướng bền vững, ông Dương Đức Hùng chia sẻ, một số giải pháp như: chính quyền địa phương cần chú trọng xây dựng chính sách về trùng tu, tôn tạo, bảo tồn di sản linh hoạt, thực chất, hiệu quả, kịp thời phù hợp nguồn lực của thành phố.
Cùng với đó, xây dựng các sản phẩm du lịch mang linh hồn của văn hóa biển đảo truyền thống, có nhiều đặc sắc, độc đáo riêng có của Hải Phòng như Khu Di tích Bạch Đằng Giang và Bãi cọc Cao Quỳ, Khu Di tích Bến K15, Bảo tàng Hải quân, phát triển du lịch tại đảo Bạch Long Vĩ./.