Là một trong 25 hội viên phụ nữ được hưởng lợi từ việc tham gia mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, chị Vi Thị Mồn (bản Chai, xã Mường Chanh) cho biết, trước khi tham gia mô hình, cũng như hầu hết các chị em khác trong bản, thu nhập của gia đình chị chỉ trông chờ vào mấy khoảnh lúa nương và hỗ trợ của nhà nước. Năm 2015, được chọn là một trong 25 thành viên tham gia mô hình tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản của phụ nữ bản Chai, chị Mồn vừa mừng, vừa lo, mừng vì được tham gia mô hình sẽ có thêm sinh kế cho gia đình, nhưng cũng không ít lo lắng vì không biết có chăm sóc được đàn bò hay không. Nhưng được sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ tỉnh, huyện, chị Mồn cùng các chị em khác đã bắt tay vào việc chăm sóc đàn bò, cái gì không biết lại hỏi, dần dần bò mẹ đẻ bò con, bò con được chăm sóc tốt lại thành bò mẹ... Cứ thế, từ 1 con bò ban đầu, sau 5 năm gia đình chị Vi Thị Mồn đã có 10 con bò, bê. Gia đình chị đã bán 3 con, hiện còn 7 con cả bò mẹ lẫn bò con.
Chị Vi Thị Mồn chia sẻ: "Tham gia vào Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản, chúng tôi được hỗ trợ vốn, được hỗ kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc nên đàn bò phát triển tốt. Tiền lãi từ việc bán bò, gia đình tôi đầu tư vào trồng lúa, nuôi ngan, nuôi gà... Năm 2018, gia đình tôi đã thoát nghèo, đến nay bắt đầu có của ăn của để, con cái được học hành. Tôi cám ơn Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đã tạo sinh kế cho chị em nghèo như chúng tôi phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình".
Mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản của phụ nữ Mường Chanh được triển khai từ năm 2015 với 25 thành viên là hội viên phụ nữ nghèo thuộc bản Chai. Ngay sau khi thành lập, tranh thủ từ nguồn vốn hỗ trợ hội viên của Trung ương Hội (150 triệu đồng do Ban Kinh tế Trung ương Hội hỗ trợ không hoàn lại và 100 triệu đồng của bà Nguyễn Thị Kim Thúy - nguyên Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cho vay không lãi suất), Tổ hợp tác đã mua 16 con bò sinh sản, với tổng trị giá 250 triệu đồng, trao cho 16/25 thành viên trong tổ.
Từ khi nhận giống bò, Ban quản lý Tổ cùng với các thành viên trong Tổ đã bàn bạc góp tiền mua thép gai về làm hàng rào khoanh vùng chăn nuôi đàn bò, trồng thêm chuối ngự, chuối rừng và cỏ voi cho bò ăn. Khu chăn nuôi bò tập trung của phụ nữ bản Chai nằm trên đồi Pha Lén, cách xa khu dân cư nên không gây ô nhiễm môi trường. Hàng ngày, các chị cắt cử người thay nhau đến chăm sóc, cho bò ăn, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại; đồng thời phối hợp với thú ý xã tiêm phòng đúng lịch, giữ ấm vào mùa đông và tạo không gian thoáng mát về mùa hè cho đàn bò.
Trong quá trình thực hiện mô hình, các hộ chăn nuôi trong Tổ hợp tác được tập huấn các nội dung như: kỹ thuật làm chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc bò ở các giai đoạn và cách phòng bệnh cho bò. Đến năm 2018, từ nguồn vốn xoay vòng, Tổ hợp tác đã trao thêm 9 con bò cho 9 thành viên còn lại, nâng tổng số bò đã trao lên 25 con. Đồng thời, các phụ nữ bản Chai đã hoàn trả lại vốn hỗ trợ ban đầu 100 triệu đồng cho bà Nguyễn Thị Kim Thúy.
Hiệu quả của mô hình càng lan tỏa khi Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản của phụ nữ bản Chai phối hợp cùng các cấp Hội Phụ nữ cho vay không lãi suất với tổng trị giá 150 triệu đồng theo hình thức xoay vòng vốn cho 10 hội viên phụ nữ bản Na Hin tham gia Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản của phụ nữ bản Na Hin (xã Mường Chanh). Đến tháng 9/2020, Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản bản Na Hin đã mua 7 con bò cái sinh sản trao cho 5/10 thành viên trong Tổ hợp tác.
Sau 5 năm, đàn bò của Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản bản Chai đã tăng lên 92 con, với tổng trị giá đàn bò ước đạt gần 700 triệu đồng. Việc chăn nuôi tập trung theo hình thức tổ liên kết cho thấy hiệu quả kinh tế hơn hẳn so với phương thức chăn nuôi truyền thống, cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào trong chăn nuôi đã mang lại hiệu quả cao, đàn bò phát triển nhanh, không xảy ra dịch bệnh, tiết kiệm được công lao động của tổ. Hiện những con bò béo tròn, sinh trưởng tốt đã và sẽ là nguồn thu nhập chính thoát nghèo của nhiều hộ dân ở xã vùng biên khó khăn này.
Chị Lương Thị Sơ, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mường Chanh cho hay, Mường Chanh là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Mường Lát, với hơn 90% chị em trong tổ chức Hội là người dân tộc thiểu số, kinh tế gia đình khó khăn, thu nhập thấp so với mức bình quân chung của cả huyện. Thực hiện phong trào “Phụ nữ Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới”, phụ nữ xã Mường Chanh nói chung, phụ nữ bản Chai nói riêng đã nỗ lực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Qua việc tham gia mô hình Tổ hợp tác chăn nuôi bò sinh sản đã giúp các thành viên trong Tổ thấy được hiệu quả kinh tế của mô hình hơn hẳn so với phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, truyền thống. Việc nuôi bò sinh sản đã giúp 21/25 phụ nữ bản Chai thoát nghèo, giúp các chị tự tin, tự chủ và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Với sự quan tâm của các cấp hội và sự nỗ lực của hội viên, mô hình tổ liên kết chăn nuôi bò sinh sản của phụ nữ xã Mường Chanh nói riêng, huyện Mường Lát nói chung sẽ tiếp tục phát triển và nhân rộng, góp phần giúp phụ nữ cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững.