Gia tăng tình trạng mắc bệnh ở vật nuôi 

Ngày 6/11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết, tình hình bệnh dại trên chó và dịch tả lợn châu Phi hiện nay đang diễn biến phức tạp. Trong thời điểm giao mùa, nhiều ổ dịch mới liên tiếp được phát hiện.

Theo đó, chỉ tính riêng trong 2 tuần qua, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xuất hiện 3 ổ dịch dại ở các huyện Cái Nước, Ngọc Hiển và thành phố Cà Mau. Qua đó, nâng tổng số ổ dịch dại được ghi nhận từ đầu năm đến nay trên toàn tỉnh là 9 ổ dịch, tại 8 xã và 1 thị trấn; trong đó, 4 ổ dịch ở xã Phú Tân (huyện Phú Tân), xã Viên An Đông (huyện Ngọc Hiển), xã Tân Hưng Đông (huyện Cái Nước) và xã Hoà Thành (thành phố Cà Mau) chưa qua 21 ngày.

Sở Y tế tỉnh cho biết đã chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời; ngoài ra, tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật. 

Sở Y tế đã tổ chức truyền thông trong trường học và cộng đồng dưới nhiều hình thức về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được công nhận; đồng thời, khuyến cáo các cơ sở tiêm chủng thực hiện việc điều trị dự phòng bệnh dại đúng chỉ định, đúng kỹ thuật. Đặc biệt, các cơ sở này cần phối hợp chặt chẽ với ngành thú y để giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bị động vật nghi dại cắn…

Sau nhiều tháng tạm lắng, cuối tháng 10 vừa qua, trên địa bàn tỉnh liên tiếp ghi nhận liên tiếp 2 ổ bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 19 ổ dịch tại 15 xã, 2 thị trấn của 6 huyện; tổng số lợn mắc bệnh và tiêu huỷ 859 con, với tổng trọng lượng gần 50 tấn.

Trước diễn biến trên, ngành chức năng và chính quyền địa phương đang triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Liên quan vấn đề này, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau cho biết thêm, đơn vị đang tích cực triển khai việc lấy mẫu giám sát chủ động sự lưu hành của dịch bệnh. Qua đó cho thấy, virus dịch tả lợn châu Phi ngoài môi trường tự nhiên vẫn còn hiện hữu, nguy cơ tái bùng phát dịch là rất cao. Đặc biệt, trong thời điểm thời tiết chuyển mùa như hiện nay, tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển nhanh.

Những năm qua, tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn ra tại địa phương luôn rất phức tạp, gây ảnh hưởng lớn tình hình chăn nuôi của người dân. Để từng bước kiểm soát tốt tình hình này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y chủ trì tổ chức mua 3.500 liều vaccine dịch tả lợn châu Phi từ nguồn kinh phí phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản.

Ngành nông nghiệp kỳ vọng, việc tiêm phòng sẽ tạo miễn dịch chủ động phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trong thời gian tới; tạo tiền lệ cần thiết để khuyến cáo người chăn nuôi chủ động tiêm phòng vaccine bổ sung cho đàn lợn nuôi mới phát sinh theo chu kỳ chăn nuôi tại cơ sở.

Huỳnh Anh (TTXVN)
Sau mưa lũ, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh ở Nghệ An
Sau mưa lũ, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh ở Nghệ An

Do ảnh hưởng của bão số 3, số 4 và mưa trong những ngày vừa qua khiến dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Nghệ An bùng phát mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN