'Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt' ở Bến Tre

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và tình trạng thiếu nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất, chăn nuôi, thời gian qua, tỉnh Bến Tre tổ chức phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt”, được người dân đồng tình ủng hộ và thực hiện, mang lại hiệu quả thiết thực, giảm bớt thiệt hại do những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra.

Chú thích ảnh
Người dân Bến Tre sử dụng ống hồ trữ nước ngọt ứng phó hạn mặn. 

Tuy mùa mưa năm nay lượng mưa không nhiều, nhưng bà Võ Thị Mỹ, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) cũng đã tích trữ được hơn 5m3 nước mưa. Ngoài ra, bà Mỹ cho xây thêm 10 ống hồ với sức chứa 20m3 nước để ứng phó hạn, mặn sắp tới.

Theo lời kêu gọi của Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre cùng các ban, ngành, địa phương, người dân cùng tham gia phong trào “Đồng khởi trữ nước mưa, nước ngọt”, bà Võ Thị Mỹ cho xây dựng 3 ống hồ và chứa nước mưa tại các lu, vại… Nhờ đó, gia đình bà Mỹ không bị thiếu nước ngọt vào mùa hạn, mặn. Bà Mỹ cho hay: "Đợt hạn, mặn đầu năm 2020 kéo dài hơn 6 tháng, nguồn nước ngọt dự trữ để sinh hoạt, nấu ăn cũng đủ dùng trong 4 tháng. Do vậy, gia đình chỉ mua thêm nước ngọt dùng trong 2 tháng. Nếu không chủ động dự trữ nước từ trước, gia đình sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, tốn nhiều chi phí để đổi nước ngọt sử dụng".

Bà Võ Thị Mỹ chia sẻ, nếu không có sự kêu gọi trữ nước của chính quyền địa phương, người dân không có sự chủ động thì thiệt hại do hạn, mặn đối với người dân sẽ càng khốc liệt hơn. Hiện tại, gia đình bà Mỹ cho xây dựng thêm các ống hồ với tổng sức chứa hơn 30m3. Đảm bảo đủ nước ngọt dùng trong sinh hoạt hơn 6 tháng nếu nước mặn kéo dài. Ngoài ra, bà Mỹ cho đắp các đập ngăn mặn tại các mương vườn để có đủ nước ngọt tưới cây, chăn nuôi gia súc của gia đình.

Ông Nguyễn Văn Tư, xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) cho biết, để có đủ nước sinh hoạt trong thời gian tới, ông mua túi trữ nước 15m3 để trữ nước mưa. Túi trữ nước có giá thành rẻ, trữ được nhiều nước nên ông lựa chọn tạm thời sử dụng. Về lâu dài, ông Nguyễn Văn Tư sẽ xây các ống hồ trữ nước (giá thành cao hơn túi trữ nước nhiều lần nhưng độ bền cao) để sử dụng bền vững. "Giờ đây cứ đến mùa mưa, người dân tại Xứ dừa lại chủ động trữ nước ngọt để ứng phó hạn, mặn" - ông Tư cho biết thêm. 

Ông Nguyễn Văn Dầy, xã Châu Bình, huyện Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) cho hay: Thực hiện kêu gọi của Tỉnh ủy Bến Tre về trữ nước mưa, nước ngọt ứng phó hạn, mặn, mọi người trong Tổ nhân dân tự quản số 11 tích cực tham gia. Gia đình nào cũng trữ từ 3-5m3 nước ngọt để dùng khi có hạn, mặn xảy ra, đặc biệt là sau đợt hạn, mặn kéo dài đầu năm 2020. Vào đầu mùa mưa, các hộ dân chủ động xây dựng thêm dụng cụ chứa nước, tăng thể tích trữ nước để ứng phó với tình trạng nước mặn ngày càng kéo dài.

Chú thích ảnh
Xây dựng ống hồ bằng bê tông để đựng nước ngọt. 

Theo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bến Tre, thông qua các mô hình “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt đã dấy lên phong trào thi đua sôi nổi ở địa phương. Qua thực hiện phong trào từ năm 2016 đến nay, 100% hộ dân đã có dụng cụ trữ nước. Trong đó, có gần 340.000 hộ tự trang bị và 27.350 hộ được hỗ trợ đủ dụng cụ trữ nước. Toàn tỉnh đã tiếp nhận dụng cụ trữ nước, tiền mặt, trang bị cho 27.350 hộ dân với trên 28.567 dụng cụ như bồn, thùng, can nhựa… với tổng giá trị trên 55 tỷ đồng. Nhiều hộ nghèo không trông chờ vào nguồn hỗ trợ của địa phương mà tự vay, mượn để trang bị dụng cụ trữ nước cho gia đình. Bên cạnh đó, vận động những hộ không sử dụng hết nước chia sẻ với những hộ thiếu nước. Ngoài ra, nhiều cơ sở thờ tự tự xây thêm hồ, ống xi-măng, khoan giếng để trữ nước mưa, nước ngọt, phòng khi có hộ thiếu nước ngọt sinh hoạt thì sẵn sàng hỗ trợ.

Theo ông Trần Ngọc Tam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre: Qua phát động nhân dân trữ nước mưa, nước ngọt phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, chăn nuôi, chương trình được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng rất tích cực. Nhờ đó, người dân đã thay đổi nhận thức, chủ động hơn trong ứng phó biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay.

Nhiều mô hình hiệu quả được nhân rộng khắp các địa phương trong tỉnh như sử dụng túi biogas để dưới mương, ao trong vườn để trữ nước; xây dựng bể xi-măng trong nhà, dưới nền nhà, đổ ống hồ xi-măng, đắp đập tạm, trải bạt để trữ nước, xây dựng hệ thống cống cục bộ ngăn mặn trong mương vườn; sử dụng các chuồng trại chăn nuôi heo, các ao hồ dùng túi mủ trải để chứa nước ngọt, tận dụng các dụng cụ chứa nước hiện có tại hộ gia đình như lu, chum, vại, hồ bê-tông, bồn nhựa để trữ nước…, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre cho biết thêm.

Trước ảnh hưởng của hạn, mặn ngày càng khốc liệt và kéo dài nhiều tháng trong năm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bến Tre Trần Ngọc Tam kêu gọi người dân tiếp tục tập trung trữ nước ngay từ đầu mùa mưa, tích trữ nhiều nước hơn để ứng phó khi hạn, mặn kéo dài. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre cũng triển khai nhanh các giải pháp công trình thủy lợi để có điều kiện tích trữ nước ngọt khi mùa hạn, mặn đến, đảm bảo đủ nước ngọt cho người dân phát triển kinh tế.

Tin, ảnh: Huỳnh Phúc Hậu (TTXVN)
Vận chuyển nước ngọt 'giải khát' cho trên 15.000 ha vườn cây ăn quả đặc sản
Vận chuyển nước ngọt 'giải khát' cho trên 15.000 ha vườn cây ăn quả đặc sản

Mùa khô 2020, tại Tiền Giang hạn mặn kéo dài và trên diện rộng toàn tỉnh khiến sản xuất và đời sống nhân dân phải chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề. Ngay từ tháng 2/2020 mặn đã lấn sâu vào đến tận địa bàn huyện đầu nguồn Cái Bè kết hợp với hạn hán ngày càng nghiêm trọng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN