Khai mạc Hội thảo, bà Phạm Thị Sen Quỳnh, Phó Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ cho biết, Hải Phòng có sự bứt phá mạnh mẽ trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thành phố đã thu hút được các dự án có vốn đầu tư lớn, công nghệ cao, sử dụng ít năng lượng, thân thiện với môi trường, đến từ các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, như LG, Bridgestone, Nipro Pharma, Fuji Xerox, GE.
Khi các doanh nghiệp lớn đến đầu tư tại Hải Phòng kéo theo nhu cầu thu hút các dự án vệ tinh khác, bước đầu hình thành các cụm sản xuất, chuỗi sản xuất công nghiệp đa dạng. Đây là cơ hội lớn, là tiền đề thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ hình thành và phát triển.
Theo bà Phạm Thị Sen Quỳnh, công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng vẫn chưa phát triển tương xứng, còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định như số doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ ít, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI, do đó, việc chuyển giao vốn và công nghệ còn hạn chế.
Tại Hội thảo, các đại biểu cơ bản có chung đánh giá, Hải Phòng là thành phố có truyền thống về sản xuất công nghiệp, song sản phẩm của ngành công nghiệp hỗ trợ còn đơn giản, hàm lượng công nghệ trung bình và thấp, có giá trị nhỏ trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Năng lực quản trị, chất lượng nguồn nhân lực cũng là nội dung hết sức thách thức đối với doanh nghiệp hỗ trợ. Một điểm nghẽn khác là doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI chưa có sự gắn kết, vì vậy chưa tạo động lực cho sự phát triển của các doanh nghiệp hỗ trợ.
Ông Bùi Ngọc Hải, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cho biết, Hải Phòng là thành phố có truyền thống công nghiệp hơn 100 năm. Trong giai đoạn hiện nay, các khu công nghiệp của thành phố đã có khoảng 450 doanh nghiệp FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 22 tỷ đô la Mỹ, cùng với hơn 200 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước. Đây là nền tảng quan trọng để Hải Phòng tiếp tục phát triển công nghiệp, trong đó có công nghiệp hỗ trợ.
Theo ông Bùi Ngọc Hải, điểm yếu của doanh nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng nói riêng và các đơn vị liên quan nói chung là chưa xác định được doanh nghiệp cần gì đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, thị trường cung ứng như thế nào, số lượng bao nhiêu, ở đâu. Doanh nghiệp nào của Hải Phòng có khả năng cung ứng? Đây là những cơ sở quan trọng để Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng là cầu nối để kết nối doanh nghiệp hỗ trợ với doanh nghiệp FDI.
Theo ông Joris Van Tienen, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn đóng tàu Damen Sông Cấm, ngành đóng tàu cần rất nhiều công nghiệp hỗ trợ, song năng lực đáp ứng của doanh nghiệp Việt Nam còn chưa cao. Đơn cử tại Công ty này, hơn 3/4 linh kiện phục vụ hoạt động đóng tàu vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài, 1/4 linh kiện còn lại do doanh nghiệp Việt Nam cung cấp, tuy nhiên, đó là những chi tiết ít quan trọng, hàm lượng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thấp.
Ông Joris Van Tienen khẳng định, doanh nghiệp nước ngoài rất mong muốn chuyển giao công nghệ để doanh nghiệp Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ. Đây là một trong những chìa khóa quan trọng giúp doanh nghiệp FDI giảm thời gian, chi phí nhập khẩu linh kiện từ nước ngoài về. Công ty Trách nhiệm hữu hạn đóng tàu Damen Sông Cấm luôn mong muốn có thể chuyển giao khoa học công nghệ của công ty đối với doanh nghiệp Việt, nhưng năng lực hấp thụ của phía doanh nghiệp Việt Nam chưa cao.