Đẩy nhanh tiến độ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Hiện toàn tỉnh Hòa Bình mới có 3 địa phương giải ngân được trên 50% vốn theo kế hoạch, 7 địa phương giải ngân dưới 50% vốn từ Chương trình.  

Tỉnh Hòa Bình có 145 xã, trong đó có 74 xã khu vực I, 12 xã khu vực II, 59 xã khu vực III và 86 thôn, xóm, bản đặc biệt khó khăn.

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tỉnh giảm 33 số xã đặc biệt khó khăn, 50% số thôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 652/QĐ-TTg ngày 28/5/2022 và Quyết định số 147/QĐ-TTg ngày 23/02/2023 Thủ tướng Chính phủ. 

Chú thích ảnh
Diện mạo mới của xã miền núi Tây Phong (Cao Phong, Hòa Bình). Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Theo Đề án thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhu cầu nguồn lực để tỉnh Hòa Bình thực hiện là hơn 9.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn được Trung ương giao và dự kiến giao cho tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2025 là trên 2.700 tỷ đồng, mới đáp ứng 28,82% nhu cầu.

Tính đến ngày 31/10/2023, tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương hai năm 2022, 2023 đã giải ngân là trên 417,7 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư hơn 272 tỷ đồng, bằng 42,82% kế hoạch giao; vốn sự nghiệp trên 145,5 tỷ đồng, bằng 24,20% kế hoạch giao.

Bằng nguồn lực đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình và các nguồn vốn khác, toàn tỉnh đã có 8/59 xã đặc biệt khó khăn được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới và thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn.

Hiện nay, địa bàn còn lại 51 xã đặc biệt khó khăn; tỷ lệ giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 - 2023 giảm 2,93%, hộ nghèo các xã đặc biệt khó khăn giảm bình quân 6,39%/năm.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với đời sống đồng bào dân tộc thiểu số; góp phần rút ngắn khoảng cách đời sống giữa miền ngược và miền xuôi, đưa kinh tế - xã hội vùng miền núi ngày càng phát triển, nâng cao mức sống của người dân.

Tuy nhiên, hiện Hòa Bình mới có 3 địa phương giải ngân được trên 50% vốn theo kế hoạch, 7 địa phương giải ngân dưới 50% vốn từ Chương trình. 

Để Chương trình phát huy hiệu quả, thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm triển khai chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người dân và rà soát, đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách; quan tâm ổn định dân cư nhất là các điểm dân cư mất an toàn do ảnh hưởng thiên tai; tạo sinh kế bền vững cho người dân, phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các địa phương cần tổ chức hội nghị với UBND cấp huyện để nắm tình hình và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chương trình; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tạo sự đồng thuận của nhân dân trong phối hợp thực hiện.

Đặc biệt, các địa phương chú trọng công tác rà soát, khảo sát, đánh giá ngay từ bước chuẩn bị đầu tư, tránh gây lãng phí hoặc không phù hợp với thực tế địa phương dẫn tới khó khăn trong giải ngân vốn; tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội trong giám sát thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.

PV
Tạo điều kiện cho người dân vay vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi
Tạo điều kiện cho người dân vay vốn tín dụng chính sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia dân tộc thiểu số và miền núi

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm thực hiện thông qua các dự án, góp phần nâng cao đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN