Phát huy tiềm năng, lợi thế của một huyện có di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, ngay từ đầu năm 2022, triển khai thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phương hướng nhiệm vụ năm 2022 và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Ban chấp hành Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo Quốc phòng – An ninh; Thực hiện tốt “Mục tiêu kép”. Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, song bức tranh kinh tế của huyện vẫn có những gam màu tươi sáng, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 14,48%, tăng 2,35% so với cùng kỳ.
Kết quả đó khẳng định sự năng động, sáng tạo của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, đồng thời tạo cơ sở, tiền đề vững chắc để Vĩnh Lộc vững bước trong những năm tiếp theo.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lữ Minh Thư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Vĩnh Lộc cho biết: 6 tháng đầu năm 2022, huyện Vĩnh Lộc thực hiện đạt và vượt chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 1.237 tỷ đồng; tổng diện tích gieo trồng đạt 9.597,8 ha; tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 42.724 tấn, năng suất lúa đạt 66,74 tạ/ha. Thực hiện liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm được 481,85ha; thực hiện tích tụ tập trung đất để sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao 104,3ha; Hoàn thành hồ sơ trình Hội đồng OCOP cấp tỉnh công nhận 2 sản phẩm …
Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ước đạt 1.589 tỷ đồng, đạt 42,69% kế hoạch, tăng 20,72% so cùng kỳ. Thu ngân sách đạt 312,796 tỷ đồng, đạt 62% dự toán tỉnh giao; bằng 74,1% so với cùng kỳ …
Để đạt mục đích tăng trưởng kinh tế trong điều kiện kinh tế gặp không ít khó khăn, theo Phó Bí thư Thường trực huyện ủy, Lê Văn Tịnh, trước hết đó là kết quả của sự đoàn kết, chung sức, chung lòng của toàn Đảng bộ và nhân dân trong huyện với quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ KT-XH tạo đà tăng trưởng cho các năm sau.
Thực tế trong nhiều năm qua, huyện Vĩnh Lộc đã trở thành điểm du lịch, vùng du lịch nổi tiếng. Di sản Văn hóa Thế giới Thành Nhà Hồ và khu Danh thắng Kim Sơn (xã Vĩnh An) hàng năm thu hút lượng lớn khách quốc tế, trong nước tham quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Vĩnh Lộc đón hơn 98.000 nghìn lượt khách quốc tế, trong nước tham quan 2 địa chỉ này. Huyện đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện: Trình UBND tỉnh đồng ý chủ trương thực hiện điều chỉnh quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản Thành Nhà Hồ; điều chỉnh quy hoạch vùng huyện Vĩnh Lộc đến năm 2045; hoàn chỉnh hồ sơ trình thẩm định phê duyệt các quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng mở rộng thị trấn Vĩnh Lộc đến năm 2030. Chỉ đạo các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2021 – 2030.
Bên cạnh đó, huyện mời gọi các tập đoàn, công ty lớn có kế hoạch đầu tư, phát triển trên địa bàn. Nổi bật như: nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh lam tháng cảnh Quốc gia Núi Kim Sơn (xã Vĩnh An) gắn với phát triển du lịch; nghiên cứu xây dựng ECOF AM Vĩnh Lộc tại Hồ Mang Mang ở xã Vĩnh Phúc …
Cùng với đó, đôn đốc Công ty HT Việt Nga phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng và triển khai các bước tiếp theo thực hiện dự án cụm công nghiệp Vĩnh Hóa; khởi công xây dựng hạ tầng dự án cụm công nghiệp Vĩnh Minh giai đoạn I; dự án mở rộng Nhà máy may xuất khẩu APPARA TECH (tại xã Vĩnh Long); nhà máy dệt may Nga Thành (xã Vĩnh Hùng)….
Để tiếp tục phát huy những tiềm năng, thế mạnh đó, ngay sau Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, Đảng bộ huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đưa kinh tế du lịch vào thời kỳ tăng tốc. Theo đó, các giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch đã được BCH Đảng bộ huyện xác định đó là quan tâm thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển du lịch và các ngành kinh tế: thương mại, dịch vụ, nông, lâm nghiệp, thủy sản …
Đồng thời chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh trong hoạt động du lịch; phát triển các loại hình du lịch, tổ chức có hiệu quả các hoạt động dịch vụ, du lịch, từng bước hình thành các Trung tâm thương mại, dịch vụ trên địa bàn; phát triển sản xuất công nghiệp – TTCN; các làng nghề thủ công khác gắn với du lịch, các chính sách các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất các sản phẩm phục vụ khách du lịch….
Kinh tế phát triển, đã tạo điều kiện để Vĩnh Lộc đẩy mạnh các hoạt động văn hóa – xã hội trên địa bàn. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng được tăng cường; hệ thống chính trị được củng cố ngày càng vững mạnh. Đó là kết quả sinh động trong quá trình đưa Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp vào cuộc sống, khẳng định sức vươn lên của Vĩnh Lộc trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH Đất nước và hội nhập Quốc tế; phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện khá của tỉnh Thanh Hóa.