Nguồn lực lớn cho huyện biên giới
Huyện Đắk Song nằm ở trung tâm tỉnh Đắk Nông, tiếp giáp với thành phố Gia Nghĩa và có đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ) chạy qua. Huyện có khí hậu ôn hòa, mát mẻ dễ chịu, có diện tích tự nhiên hơn 80.000ha và có đường biên giới có 24 km tiếp giáp với tỉnh Mundulkiri (Vương quốc Campuchia).
Đắk Song được thành lập vào ngày 21/6/2001 và đã trải qua hơn 20 năm hình thành, phát triển. Hiện dân số của huyện hơn 81.500 người, trong đó hơn 17% là đồng bào dân tộc thiểu số.
Những năm gần đây, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Song có nhiều bước tiến vượt bậc. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng tăng cường tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại – dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của lĩnh vực nông - lâm nghiệp.
Tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Song nhiều năm liền đạt mức hơn 10%. Hệ thống cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống người dân.
Tuy nhiên, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thêm vào đó, do nguồn lực còn nhiều hạn chế, cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm…) nhiều nơi xuống cấp, chưa đảm bảo kịp thời quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Là huyện đông đồng bào dân tộc thiểu số và có vị trí, vai trò quan trọng về quốc phòng – an ninh, nhiều năm qua, Đắk Song luôn được ưu tiên nguồn lực để đầu tư phát triển. Hiện nay, cùng với các địa phương khác của tỉnh Đắk Nông, huyện Đắk Song đang thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia, bao gồm: Chương trình xây dựng nông thôn mới; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình giảm nghèo bền vững.
Theo kế hoạch số 840/QĐ-UBND ngày 09/8/2022 của Chủ tịch UBND huyện Đắk Song về việc Phân bổ kế hoạch vốn thực hiện 3 CTMTQG giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn huyện Đắk Song, tổng số vốn đầu tư trong giai đoạn này gần 179 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương gần 135 tỷ đồng; vốn ngân sách tỉnh gần 2,4 tỷ đồng; vốn đối ứng hơn 41 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2022, tổng vốn thực hiện ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Đắk Song là hơn 55 tỷ đồng. Trong đó, vốn cho chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gần 23 tỷ đồng, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gần 26 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững hơn 5,5 tỷ đồng.
Theo kế hoạch phân bổ vốn đã được UBND huyện Đắk Song phê duyệt, huyện sẽ triển khai đầu tư tập trung cho các công trình nhằm mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới các lĩnh vực giao thông, giáo dục đào tạo… Huyện cũng sẽ tập trung nguồn lực cho chương trình mỗi xã một sản phẩm; đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với thị trường; phát triển giáo dục, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần; và công tác truyền thông về xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn lực được phân bổ, Đắk Song cũng ưu tiên đầu tư cho các tiểu dự án, bao gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho người dân; tập trung quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững; đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc; đa dạng hóa sinh kế, mô hình giảm nghèo…
Bên cạnh việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng, Đắk Song cũng tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; đẩy mạnh chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc của người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững…
Việc đầu tư theo ba chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện Đắk Song được xác định phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các bon đặc biệt khó khăn, giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách nhất và ưu tiên hỗ trợ người nghèo. Bên cạnh đó, quá trình đầu tư phải đảm bảo công khai, dân chủ, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia tích cực của người dân, phát huy tinh thần nỗ lực vươn lên của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, gắn với củng cố quốc phòng an ninh. Đồng thời, quá trình tổ chức phải phù hợp với đặc điểm, điều kiện, thế mạnh và bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng, kết hợp với chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Huyện cũng xác định tập trung nguồn lực để 5 xã trên địa bàn (Nam Bình, Nâm N’Jang, Thuận Hạnh, Thuận Hà và Đắk Hòa) đạt xã nông thôn mới, đảm bảo các tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, đồng thời xây dựng xã Đắk Môl đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát huy dân chủ, sớm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc
Theo báo cáo mới nhất của UBND huyện Đắk Song, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện trong năm 2022 vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục, lựa chọn nhà thầu theo quy định, các đơn vị chủ đầu tư chưa giải ngân kinh phí dù đã gần hết năm 2022.
Để thực hiện hiệu quả ba chương trình mục tiêu quốc gia trong năm 2022 và các năm tiếp theo, UBND huyện Đắk Song đã lưu ý các đơn vị chủ đầu tư nâng cao tính chủ động, linh hoạt trong quản lý, điều phối thực hiện chương trình. Đặc biệt, các đơn vị chủ đầu tư, các đơn vị liên quan phải lưu ý phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư tham gia vào quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện các chương trình. Song song với đó, các đơn vị xây dựng nội dung chi phải phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đúng tiêu chí được giao, gắn với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, phải chú trọng các nội dung, đề án đang triển khai như: bảo tồn văn hoá, gắn với du lịch, chuyển đổi số… tránh tình trạng chồng chéo, dài trải, dẫn tới kém hiệu quả.
UBND huyện Đắk Song cũng lưu ý các ngành chủ quản phải tiếp tục cử cán bộ xuống địa bàn các xã để trực tiếp hướng dẫn thực hiện, trong quá trình thực hiện phải thường xuyên rà soát, kịp thời báo cáo các nội dung không thể triển khai được để kịp thời điều chỉnh qua nhiệm vụ, dự án có tiến độ giải ngân cao.
Cũng theo UBND huyện Đắk Song, hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện ba chương trình. Trong đó, nổi bật nhất là UBND các xã không bố trí được quỹ đất công nên không hỗ trợ được đất sản xuất cho các hộ chưa có đất sản xuất hoặc các hộ còn thiếu đất sản xuất; UBND tỉnh chưa ban hành thiết kế mẫu của các công trình được thực hiện cơ chế đặc thù nên các cơ quan, đơn vị đang lúng túng trong công tác triển khai lập hồ sơ đầu tư dự án. Thêm nữa, một số nội dung chi vốn sự nghiệp phải có Nghị quyết hội đồng nhân dân tỉnh quy định nhưng đến nay HĐND tỉnh chưa ban hành dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện.
Trong tháng 10/2022, UBND tỉnh Đắk Nông mới phê duyệt danh mục các dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 và danh mục dự án đầu tư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nên thời gian để các đơn vị cấp huyện thực hiện rất gấp. Còn danh mục các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững vẫn chưa được phê duyệt nên việc triển khai thực hiện không đủ thời gian để lập hồ sơ giải ngân vốn trong năm 2022.
Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, UBND huyện Đắk Song kiến nghị UBND tỉnh và các ngành chức năng liên quán sớm ban hành quy định định mức hỗ trợ về nhà ở, nước sinh hoạt phân tán. Đối với hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, huyện đề nghị chuyển sang hỗ trợ thực hiện chuyển đổi ngành nghề hoặc mua sắm nông cụ, máy móc phục vụ sản xuất. Huyện cũng đề xuất đề xuất chuyển nguồn vốn đầu tư dự án của năm 2022 sang năm 2023 thực hiện giải ngân.