Từng là vùng chè nổi tiếng về sản lượng từ những năm 1980 của thế kỷ trước, với diện tích trồng chè trên 12.000 ha, thời điểm đó tỉnh Yên Bái dẫn đầu cả nước về xuất khẩu chè đen. Nhiều vùng chè Shan tuyết đặc sản đã được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn hữu cơ quốc tế, tập trung ở các huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải và một số xã vùng cao huyện Văn Chấn, Trấn Yên, nơi có thổ nhưỡng, khí hậu khác biệt.
Hiện nay, tỉnh có trên 2.290 ha chè đặc sản Shan tuyết và đáng chú ý, vùng chè Shan tuyết tại xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn có tới 400 gốc chè cổ thụ được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam. Ngoài ra, còn có khoảng 40.000 gốc chè cổ thụ mọc thành rừng trên các dãy núi cao, có độ tuổi từ 100 năm trở lên, được xếp trong Top 6 giống chè thủy tổ của thế giới.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, đến nay, diện tích trồng chè toàn tỉnh chỉ còn hơn 7.600 ha, cho sản lượng búp tươi đạt hơn 74.000 tấn/năm; trong đó, có 2.668 ha là chè lai LDP, 1.551 ha chè nhập nội và 1.688 ha chè trung du. Tổng sản lượng chè đen, chè xanh chỉ đạt 20.000 tấn/năm với giá trị sản phẩm đạt gần 400 tỷ đồng.
Ông Đinh Đăng Luận, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm về sản lượng, diện tích trồng chè của tỉnh Yên Bái là do thiếu quy hoạch vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn để đầu tư thâm canh. Mối liên kết giữa cơ sở chế biến và người trồng chè lỏng lẻo, không ổn định về giá cả; chính sách hỗ trợ các hộ, doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, chế biến, kinh doanh chè chưa đủ mạnh.
Để khôi phục lại diện tích trồng chè, lấy lại thương hiệu từ sản phẩm chè, tỉnh Yên Bái đang chuyển đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng giảm tỷ trọng chè đen từ 85% xuống còn 65%; tăng tỷ trọng sản phẩm chè xanh từ 15% lên 35% và chè đặc sản. Đồng thời, tiếp tục làm tốt việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu và sở hữu trí tuệ.
Trong thời gian tới, diện tích chuyên canh tập trung sẽ tăng lên khoảng 5.000 ha; trong đó, diện tích được sản xuất theo tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... đạt 1.500 ha. Cùng đó, phát triển mở rộng thêm diện tích chè Shan đặc sản hữu cơ khoảng 2.200 ha, đưa sản lượng chè Shan búp tươi đạt 7.000 tấn/năm.
Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho hay, để nâng cao giá trị sản phẩm chè, trước hết, phải có giống chè tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của mỗi tiểu vùng. Tiếp đến là phải có cơ chế bền vững liên kết giữa người trồng chè, chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè. Cuối cùng, cần có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, công nghệ chế biến, làm tốt việc xây dựng thương hiệu và sở hữu trí tuệ.
Hiện đã có nhiều giải pháp được đề ra và trong đó, tỉnh Yên Bái đã xây dựng đề án quy hoạch và cơ cấu lại các vùng sản xuất chè gắn với công nghiệp chế biến. Vùng chè xanh chất lượng cao được xác định tại các huyện vùng thấp, như các huyện Trấn Yên, Yên Bình, thành phố Yên Bái, với tổng diện tích 2.000 ha được trồng bằng các giống chè nội như Kim Tuyên, Thúy Ngọc, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên.
Dự kiến đến năm 2025, sản lượng chè búp tươi sẽ đạt 15.000 tấn/năm; trong đó, sản lượng chè xanh, chè ôlong chất lượng cao đạt 3.000 tấn/năm. Vùng nguyên liệu sản xuất chè xanh được quy hoạch gắn với các cơ sở chế biến tại các vùng trồng chè truyền thống thuộc thị xã Nghĩa lộ và huyện Văn Chấn.
Đối với vùng chè đặc sản, Yên Bái chủ trương tăng diện tích hiện có đối với khu vực có đủ điều kiện và áp dụng quy trình trồng chè Shan cải tiến theo hướng hữu cơ với mật độ từ 6.000 - 6.500 cây/ha. Trọng tâm trước mắt là cải tạo và phát triển diện tích vùng chè Shan trồng mật độ cao tại khu vực xã Gia Hội, Nậm Búng, huyện Văn Chấn với quy mô diện tích từ 800 - 1.000 ha. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mới 4 cơ sở chế biến chè Shan chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Để đạt được mục tiêu đề ra, ngày 16/12/2020, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 69 về việc hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, chính sách hỗ trợ phát triển ngành chè được cụ thể hóa, theo hướng liên kết chuỗi giá trị.
Dự án trồng chè có quy mô từ 50 ha trở lên sẽ được tỉnh Yên Bái hỗ trợ lên tới 3 tỷ đồng/dự án nếu triển khai tại vùng cao và 2,5 tỷ đồng/dự án triển khai tại vùng thấp. Nội dung hỗ trợ bao gồm từ khâu đánh giá xác định vùng nguyên liệu, hỗ trợ mua cây giống, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng bảo quản, chế biến chè đến khâu thiết kế mẫu mã, nhãn mác, chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Hy vọng với sự quyết liệt và những chính sách thiết thực của tỉnh Yên Bái, những khó khăn, bất cập phát triển cây chè sẽ nhanh chóng được khắc phục, sớm đưa cây chè của tỉnh Yên Bái trở lại đúng với vị thế và tiềm năng vốn có, mang lại thu nhập cao, bền vững cho người dân vùng chè./.