Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở ban ngành, địa phương, các nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Cần Thơ đề ra mục tiêu tổng quát là xây dựng ngành nông nghiệp thành phố từng bước hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi liên kết giá trị và các lĩnh vực hỗ trợ; xây dựng sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận chất lượng, có đăng ký thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc. Khu vực nông thôn trở thành nơi đáng sống, thu nhập và đời sống của người dân được nâng lên, người dân nông thôn hạnh phúc.
Cụ thể, từ nay đến năm 2025, Cần Thơ tăng trưởng kinh tế khu vực nông nghiệp-thủy sản giai đoạn 2021-2025 tăng bình quân từ 2,5- 3%/năm, tỷ trọng nông nghiệp-thủy sản trong cơ cấu kinh tế chiếm từ 5,6-5,9%. Thành phố sẽ đào tạo nghề cho 20.000 lao động nông thôn, trong đó lĩnh vực nông nghiệp là 5.000 lao động, phi nông nghiệp là 15.000 lao động; vận động và thành lập mới 20 hợp tác xã/năm. Đến năm 2025, toàn thành phố có 24 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 8 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ dân số được cung cấp nước sạch đạt 94%.
Đến năm 2030, tỷ trọng nông nghiệp-thủy sản trong cơ cấu kinh tế của thành phố đạt từ 3,42-4%. Cần Thơ có trên 200 hợp tác xã nông nghiệp với khoảng 9.000 cá nhân, hộ gia đình, tổ chức tham gia thành viên, trong đó có khoảng 80 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, thực hiện truy xuất nguồn gốc hàng hóa nông sản, đồng thời có khoảng 1.800 tổ hợp tác trong nông nghiệp với trên 70.000 thành viên. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%, hầu hết chất thải rắn được thu gom xử lý; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 100%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt từ 85-90%, về cơ bản không còn hộ nghèo...
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nói trên, Thành ủy Cần Thơ đã đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Trong đó có các nhiệm vụ tiếp tục tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho dân cư nông thôn; xây dựng nông thôn mới văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển cơ cấu hạ tầng nông thôn, cải thiện nhanh điều kiện sinh sống ở các vùng nông thôn; nâng cao toàn diện thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần của dân cư, đảm bảo công bằng xã hội ở nông thôn...
Theo ông Phạm Văn Hiểu, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ, trong thời gian tới cần tiếp tục nâng cao hơn nữa nhận thức trong cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo sự chuyển biến tích cực, sự đồng thuận cao từ nhận thức đến hành động trong thực hiện. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải xác định vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài, trách nhiệm của toàn Đảng bộ, các cấp, ngành, toàn dân thành phố.
Bên cạnh đó, các địa phương, đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng bộ thành phố, với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, cơ quan, đơn vị.
Mặt khác, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng ưu tiên phát triển dịch vụ, nông nghiệp và công nghiệp ở trình độ cao, chất lượng cao, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; giữ môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững. Cần Thơ tập trung thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố; phát triển mạnh, đa dạng cây trồng, vật nuôi theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng; quy hoạch xây dựng vùng sản xuất giống cho các sản phẩm chủ lực của thành phố gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo thành chuỗi giá trị khép kín.
Cần Thơ đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động, giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của nông thôn. Thành phố tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; quan tâm công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp, nông thôn, phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao thu nhập cho nông dân...
Qua 13 năm (2008-2021), kể từ khi Thành ủy Cần Thơ ban hành Chương trình số 43 về việc thực hiện Nghị quyết số 26 của Ban chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế - xã hội khu vực nông thôn trên địa bàn thành phố có nhiều chuyển biến rõ rệt. Các nguồn lực đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn được huy động, nhiều công trình kết cấu hạ tầng được đầu tư mới và nâng cấp mở rộng. Cơ cấu kinh tế nông thôn có bước chuyển biến tích cực, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã hình thành vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển công nghiệp chế biến, chất lượng nguồn nhân lực phục vụ nông nghiệp, nông dân, nông thôn từng bước được nâng lên. Các vấn đề chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho khu vực nông thôn được quan tâm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên. Hệ thống chính trị, dân chủ cơ sở ở nông thôn được củng cố và tăng cường, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Mặt khác, thành phố cũng quan tâm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Qua 9 năm triển khai, diện mạo nông thôn có bước chuyển biến tích cực, đời sống nông dân được nâng cao. Đến nay, thành phố Cần Thơ có 36/36 xã và 4/4 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 10/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, hoàn thành trước 1 năm so với mục tiêu nghị quyết đề ra.