Các địa phương tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 2/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, Sóc Trăng tổ chức hội nghị nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025.

Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành vượt mức mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Chú thích ảnh
Chủ trì Hội nghị. Ảnh: TTXN phát

Ngày 2/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị lần thứ 37 nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị năm 2024, thảo luận thông qua nghị quyết, phấn đấu hoàn thành, hoàn thành vượt mức mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.

Xác định hội nghị lần này có ý nghĩa quan trọng, quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025 và những năm tiếp theo, do vậy, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước và đầu tư công năm 2024. Trong đó, tập trung vào tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc như: vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và thủ tục hành chính...

Đại biểu chỉ ra nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, nhất là nguyên nhân chủ quan và đề xuất giải pháp khắc phục một cách căn cơ trên các lĩnh vực. Trong quá trình thảo luận, các đại biểu phân tích, dự báo đầy đủ yếu tố tác động và ảnh hưởng đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2025 của tỉnh.

Theo ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, năm 2024, tỉnh đạt được những kết quả khá toàn diện trên các mặt. Đến nay, tỉnh đạt tăng trưởng 11,72%, dự kiến hết năm đạt khoảng 12,16%. Trong đó, đóng góp lớn nhất là tiền sử dụng và thu từ nhập khẩu dầu thô của Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn. Hai nguồn thu này chiếm hơn 60% trong tổng thu ngân sách Nhà nước của tỉnh trong năm. Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực đầu tư công mới giải ngân được 70%. Nhiều dự án còn chậm do khó khăn về giải phóng mặt bằng…

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, năm 2025, để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là dự án trọng điểm của tỉnh. Các đơn vị liên quan tập trung tháo gỡ khó khăn trong thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là tháo gỡ về công tác giải phóng mặt bằng, tính tiền sử dụng đất...

Để thực hiện tốt nhiệm vụ năm 2025, kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh yêu cầu, các sở, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2025, góp phần hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: TTXN phát

Các đơn vị tập trung tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, nhất là 23 dự án thu hút đầu tư từ nhiều năm trước, đến nay chậm tiến độ, sớm đưa vào sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng, tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm; thực hiện đồng bộ giải pháp thu ngân sách Nhà nước, bảo đảm hoàn thành và vượt dự toán đề ra.

Các đơn vị bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên vốn cho các dự án, công trình trọng điểm, quy mô lớn để sớm hoàn thành; tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện quy mô phù hợp, giá trị gia tăng cao, thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ủy quyền để triển khai các dự án gắn với thực hiện hiệu quả các luật mới được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8...

Trong công tác xây dựng Đảng, các địa phương xây dựng phương án sắp xếp tổ chức bộ máy và cán bộ; tập trung chuẩn bị sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã bảo đảm điều kiện để đơn vị hành chính sau khi sắp xếp nhanh chóng ổn định tổ chức, hoạt động nền nếp, phát huy hiệu quả. Các cấp ủy Đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các cấp, ngành siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ, chỉ đạo, điều hành; khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đùn đẩy, né tránh trong thực thi nhiệm vụ. Với tinh thần dân chủ, các đại biểu biểu quyết thống nhất thông qua Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025.

Sóc Trăng tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn phát triển kinh tế - xã hội 

Chú thích ảnh
Chủ tọa hội nghị. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Ngày 2/12, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng khóa XIV tổ chức Hội nghị lần thứ 34 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2024, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu năm 2025.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng đã biểu dương những thành tựu tỉnh đã đạt được với sự nỗ lực, cố gắng to lớn của toàn Đảng bộ, các cấp, ngành, địa phương và nhân dân.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 34 nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bàn, quyết định những vấn đề quan trọng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong năm 2025. Đây là những nội dung cần được quán triệt sâu sắc. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cấp, ngành, nhất là người đứng đầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, sáng tạo, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị năm 2025 và nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Ông Lâm Văn Mẫn nêu rõ, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều hoạt động kỷ niệm lớn; là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để thực hiện đạt các chỉ tiêu nghị quyết năm 2025 đề ra, lãnh đạo Tỉnh ủy Sóc Trăng xác định, năm 2025 là năm tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức; lấy ổn định làm tiền đề thúc đẩy phát triển và phát triển để làm cơ sở cho ổn định; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.

Các cấp, ngành khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế như: Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi; Dự án tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông - Tây; các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh...

Tại hội nghị, lãnh đạo các sở, ngành đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào báo cáo của Tỉnh ủy về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị năm 2024; dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh năm 2025 và một số công việc nội bộ thuộc thẩm quyền.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trung Hiếu/TTXVN

Theo bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng, năm 2024, dù còn nhiều khó khăn nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh, tình hình kinh tế - xã hội của Sóc Trăng đạt được kết quả quan trọng. Tất cả 24 chỉ tiêu, nhiệm vụ được Tỉnh ủy đề ra đều đạt và vượt kế hoạch; trong đó có 15 chỉ tiêu vượt và 9 chỉ tiêu đạt 100% kế hoạch.

Một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 7% (đạt chỉ tiêu nghị quyết); GRDP bình quân đầu người đạt 69,1 triệu đồng/người/năm (vượt gần 5,2% chỉ tiêu nghị quyết); chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% (vượt chỉ tiêu nghị quyết). Đặc biệt, giá trị xuất khẩu đạt 1,8 tỷ USD (vượt 20% chỉ tiêu nghị quyết); thu ngân sách Nhà nước đạt 5.618 tỷ đồng (tăng trên 13,55% so với cùng kỳ năm 2023)… Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, đời sống nhân dân tiếp tục được nâng lên. An sinh xã hội được tập trung đảm bảo, đời sống nhân dân được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo 2024 là 1%, số hộ nghèo giảm trong năm là 500 hộ (đạt kế hoạch đề ra). Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, an ninh quốc phòng được giữ vững...

Khiếu Tư - Trung Hiếu (TTXVN)
Đưa khoáng sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Đưa khoáng sản trở thành nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội

Luật Địa chất và khoáng sản đã được Quốc hội chính thức thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV với tỷ lệ tán thành cao. Luật Địa chất và khoáng sản đã kế thừa Luật Khoáng sản hiện hành, bổ sung một số quy định mới nhằm khắc phục những bất cập trong thực tiễn, đưa khoáng sản trở thành nguồn lực xứng tầm trong phát triển kinh tế - xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN