Bình Thuận kiên trì thúc đẩy phát triển 3 trụ cột

Ngày 22/8, Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh phát biểu khai mạc Hội nghị.

Qua 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, chính quyền, các cấp, ngành, địa phương đã quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, đạt kết quả quan trọng, toàn diện trên nhiều mặt. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) bình quân trong 2 năm 2021 - 2022 đạt 5,05%/năm; ước tăng bình quân hàng năm trong 3 năm 2021 - 2023 đạt 5,76%/năm.

Từ năm 2020 đến nay, ngành Công nghiệp tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2022 đạt 39.189 tỷ đồng (tăng 15,33% so với năm 2020). Từ năm 2020 đến tháng 6/2023, đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đạt 726 tỷ đồng; thu hút 21 dự án đầu tư với nguồn tổng vốn 13.804 tỷ đồng và 3,9 triệu USD; tỷ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp đã xây dựng đạt 38,24% (năm 2020 đạt 28%).

Cơ cấu ngành Công nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn, nhất là các dự án năng lượng. Đáng chú ý, Bộ Công Thương đã chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ I và Nhà máy Nhiệt điện khí LNG Sơn Mỹ II với tổng công suất 4.500 MW, tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD. Ủy ban nhân dân tỉnh đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Kho cảng LNG với tổng vốn đầu tư khoảng 1,3 tỷ USD triển khai tại Khu công nghiệp Sơn Mỹ I, huyện Hàm Tân. Đây là các dự án đầu tư quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, thúc đẩy phát triển công nghiệp năng lượng của tỉnh.

Chú thích ảnh
Chủ trì Hội nghị.

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 24/10/2021 của Tỉnh ủy (khóa XIV) về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sau COVID-19, ngành Du lịch đã có nhiều nỗ lực để phục hồi và thu hút du khách. Từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 6/2023, toàn tỉnh đón hơn 15 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 38.580 tỷ đồng.

Đặc biệt, những tháng đầu năm 2023, với việc đăng cai tổ chức Năm Du lịch Quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” và thông tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết - Vĩnh Hảo giúp rút ngắn thời gian di chuyển đến địa phương, Bình Thuận ghi nhận sự tăng trưởng rất lớn về số lượng khách du lịch. Trong 7 tháng năm 2023, du lịch Bình Thuận đón 5,3 triệu lượt khách (tăng hơn 82% so cùng kỳ năm 2022), doanh thu du lịch đạt 13.448 tỷ đồng (tăng 2,1 lần so cùng kỳ năm trước).

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, trên địa bàn tỉnh có thêm 10 nhà máy điện năng lượng tái tạo, với tổng công suất khoảng 362 MW, tổng mức đầu tư 13.988 tỷ đồng, được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động. Đến nay, Bình Thuận có 47 nhà máy đang hoạt động phát điện với tổng công suất 6.523MW, cùng hệ thống lưới điện được đầu tư, cải tạo, nâng cấp thường xuyên đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị.

Để hoàn thành các mục tiêu trong nửa nhiệm kỳ còn lại, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Dương Văn An đề nghị, các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền… tiếp tục khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh; kiên trì thúc đẩy phát triển 3 trụ cột (công nghiệp, du lịch và nông nghiệp) thực sự là kiềng ba chân để tỉnh phát triển từ nay đến cuối nhiệm kỳ và trong thời gian tới.

Các đơn vị đẩy mạnh công tác thu ngân sách, tập trung khai thác nguồn thu chiếm tỉ trọng lớn, nguồn thu còn tiềm năng, phấn đấu tự cân đối ngân sách vào cuối năm 2025. Cùng với đó là huy động nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đến năm 2025; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm, nhất là Cảng hàng không Phan Thiết, tuyến đường ven biển, tuyến đường kết nối giữa các địa phương, công trình thủy lợi, khu neo đậu tàu thuyền, kè sông, kè biển, chỉnh trang đô thị...

Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, các đơn vị thực hiện tốt Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ngay khi được phê duyệt; rà soát, hoàn thành các quy hoạch chung, phân khu, chi tiết, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc chồng lấn các quy hoạch, tạo điều kiện cho dự án phát triển kinh tế - xã hội triển khai thuận lợi.

Nguyễn Thanh (TTXVN)
Bình Dương gia tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ
Bình Dương gia tăng tỷ trọng thương mại - dịch vụ

Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc chuyển dịch nền kinh tế gia tăng cơ cấu ngành thương mại - dịch vụ là bước phát triển vững chắc; qua đó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế của tỉnh là khá tốt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN