Theo đó, cơ cấu thương mại - dịch vụ trong nền kinh tế tỉnh Bình Dương đang tăng dần đều theo từng năm; trong đó, năm 2022 cơ cấu chiếm hơn 22%, nhưng trong năm 2023 nâng lên hơn 23,5%. Trong khi đó, xu hướng cơ cấu về công nghiệp năm 2022 là hơn 67,6%, thì đến năm 2023 giảm còn hơn 66%.
Tính riêng trong 7 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 174.820 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 120.346 tỷ đồng, chiếm 68,8%, tăng 14,1% so với cùng kỳ; doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành đạt 16.986 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ...
Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương cũng đã ban hành kế hoạch triển khai chiến lược phát triển thương mại nội địa tỉnh giai đoạn 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, xác định phát triển thương mại đồng bộ, đa dạng, hạ tầng thương mại được hiện đại hóa, số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Riêng năm 2023, tỉnh Bình Dương giao Sở Công Thương phối hợp với các hệ thống bán lẻ thương mại điện tử tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm thúc đẩy phát triển thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh; triển khai vận hành hiệu quả Sàn Thương mại điện tử Bình Dương. Sở vận động, khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia các sàn thương mại điện tử; xây dựng kế hoạch triển khai mô hình và sử dụng các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ…
Trong thời gian tới, ngành công thương sẽ tổ chức các sự kiện thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh và các sự kiện khác liên quan đến thúc đẩy thương mại điện tử; tổ chức các đoàn đi học tập, trau dồi kinh nghiệm về quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử; phối hợp kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử theo thẩm quyền, giám sát trực tuyến hoạt động thương mại điện tử.
Đáng chú ý, Bình Dương tiếp tục triển khai mạnh mẽ định hướng chuyển đổi công năng, di dời các dự án sản xuất công nghiệp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp nhằm chuyển đổi các khu đất từ các nhà máy di dời để phát triển ngành dịch vụ. Đây là đề án rất lớn của tỉnh Bình Dương sẽ di dời hàng ngàn nhà máy tại các thành phố phía Nam như Thuận An, Dĩ An, thành phố Thủ Dầu Một để chuyển đổi công năng quỹ đất phát triển đô thị và dịch vụ. Đề án triển khai từ nay đến năm 2030 và áp dụng theo lộ trình di dời phù hợp cho từng nhà máy. Trước mắt, tỉnh chọn những nhà máy có nhu cầu làm điểm sau đó nhân rộng cho những nhà máy khác từng bước chuyển đổi công năng theo kế hoạch đã đề ra.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, cho biết việc di dời các nhà máy nhằm chuyển đổi công năng không thể tránh khỏi ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như đời sống của một bộ phận người lao động. Nhưng đề án của tỉnh phải thực hiện bởi xu thế tất yếu nhằm chuyển đổi mô hình phát triển; qua đó mục đích cuối cùng của tỉnh vẫn là mong muốn bảo đảm lợi ích tối đa cho doanh nghiệp, cho nhân dân cũng như tái cấu trúc lại nguồn lực, nhất là quỹ đất phục vụ cho phát triển chung. Do đó, tỉnh sẽ triển khai lộ trình di dời bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, không gây khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như hiện nay.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 62.848 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước đăng ký kinh doanh với tổng số vốn trên 683.000 tỷ đồng. Theo UBND tỉnh vốn hóa trong nước đầu tư mạnh vào tỉnh vượt xa vốn đầu tư nước ngoài. Đây là tín hiệu tốt về thành phần kinh tế trọng vốn đầu tư trở thành một trong những trụ cốt chính của nền kinh tế, góp phần phát triển ngày càng bền vững cho tỉnh.