Quốc lộ 1 đoạn qua khu vực 5, phường Trần Quang Diệu, thành phố Quy Nhơn bị ngập, ngày 24/10/2021. Ảnh tư liệu: Tường Quân/TTXVN
Trong năm 2021, Bình Định chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai: khô hạn, mưa bão, áp thấp, lũ lụt, sạt lở đất, gió mạnh trên biển... Thiên tai đã khiến 5 người chết, 6 người mất tích, hàng chục tàu cá bị chìm, hàng ngàn nhà dân bị ngập nước và hư hỏng; sạt lở bờ sông, sạt lở núi diễn ra ngày càng nghiêm trọng... Tổng thiệt hại ước tính hơn 343 tỷ đồng. Sáu tháng của năm 2022, tình hình thời tiết tại Bình Định tiếp tục có nhiều diễn biến bất thường và trái quy luật. Lũ muộn vào cuối tháng 3 gây ngập úng trên diện rộng. Trên biển, gió lốc và sóng cao đánh chìm 91 tàu cá của ngư dân ở thành phố Quy Nhơn. Thiệt hại ước tính hơn 43 tỷ đồng.
Trước diễn biến, cường độ của thiên tai ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên, các sở, ban ngành, địa phương ở Bình Định đã sẵn sàng các công tác ứng phó, ứng cứu, khắc phục, hỗ trợ thiệt hại; kịp thời khôi phục sản xuất, ổn định đời sống người dân; lồng ghép tốt nội dung phòng, chống thiên tai vào Quy hoạch tỉnh Bình Định giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ năm 2020 đến nay, UBND tỉnh Bình Định đã huy động các nguồn lực của Trung ương, địa phương khắc phục thiệt hại do bão lũ tại 26 công trình, với tổng kinh phí hơn 260 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh nhận định, thiên tai ngày càng có nhiều diễn biến bất thường và trái quy luật; tỉnh chịu ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan. Do đó, để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các tình thế thiên tai khắc nghiệt được dự báo trong mùa mưa bão năm nay, lãnh đạo tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh tổ chức kiểm tra tại các địa phương; kiểm tra tình hình bố trí ngân sách dự phòng địa phương cho công tác phòng, chống thiên tai năm 2022. Các địa phương tổ chức lập phương án ứng phó thiên tai cấp huyện năm 2022, củng cố lực lượng xung kích, quản lý đê, đảm bảo phương tiện, trang thiết bị và hậu cần cho việc sơ tán dân khi có ảnh hưởng bão, mưa lớn, sạt lở đất; vận động người dân dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm dùng tối thiểu trong 7 ngày.
Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã chỉ đạo cấp xã, phường xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn giai đoạn 2021-2025; lập phương án ứng phó với thiên tai cấp xã năm 2022; phê duyệt phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai phù hợp với từng vùng, khu vực. Các địa phương rà soát, thống kê nhà ở kiên cố, nhà tránh trú cộng đồng, cơ quan, trường học, cơ sở tôn giáo đáp ứng yêu cầu sơ tán dân khi có bão, lũ lụt lớn, sạt lở đất; lập phương án di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng do sạt lở đất năm 2021 và các điểm có nguy cơ cao.
Các địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá an toàn hồ chứa, đề điều; thực hiện đúng quy định vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn, sông Hà Thanh, hồ chứa nước Đồng Mít, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du; tiếp tục rà soát, thống kê các trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn để có kế hoạch bổ sung, sửa chữa kịp thời. Việc thi công các công trình hạ tầng về phòng, chống thiên tai, các hồ đập, đê kè, đập dâng, đập tràn, khu tái định cư... đảm bảo tiến độ, chất lượng, an toàn trước mùa mưa bão. Cảng vụ Hàng hải Quy Nhơn xây dựng phương án ứng phó thiên tai năm 2022, trong đó xác định cụ thể các khu vực ở đầm Thị Nại, vịnh Phương Mai, vịnh Xuân Đài, vịnh Vũng Rô điều tiết cho tàu thuyền vào tránh trú bão hợp lý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện, hậu cần để ứng phó thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn; nâng cao năng lực ứng phó thiên tai trên đất liền, trên sông, trên biển cho cán bộ, chiến sĩ, nhất là trong tình huống sơ tán dân khi có bão, lũ lớn và sạt lở đất.