Lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 8/9 đến chiều 9/9 phổ biến từ 105,8 - 213mm, trên các triền sông, suối xuất hiện lũ lớn với biên độ từ 3 - 8m. Trên sông Cầu, sông Năng thuộc địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có lũ trên báo động cấp 3 và dự báo thời gian tới tiếp tục có mưa to đến rất to, mực nước trên các triền sông, suối tiếp tục tăng lên, nguy cơ ngập lụt trên diện rộng, lũ lớn.
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai tỉnh, đến 11 giờ ngày 9/9, tại Bắc Kạn đã ghi nhận trên 520 nhà ở bị tốc mái, sạt lở, ngập nước. Trong đó, các huyện bị thiệt hại nhiều nhất là Na Rì 133 nhà, Chợ Đồn 102 nhà, Bạch Thông 95 nhà. Tại các huyện Na Rì, Ba Bể, Bạch Thông, Chợ Đồn còn có 37 hộ dân phải di dời khẩn cấp. Tại huyện Na Rì có 18 nhà bị cô lập do nước lũ.
Bên cạnh đó, tỉnh Bắc Kạn ghi nhận 468,7 ha lúa, ngô, hoa màu... bị thiệt hại; 119 chuồng trại bị hư hỏng. 9 vị trí trên các tuyến quốc lộ bị sạt lở với khối lượng đất, đá khoảng 1.120 m3; trên 15 tuyến tỉnh lộ bị sạt lở đất đá khoảng 190.000 m3; đường giao thông nông thôn bị sạt taluy dương 78 vị trí với khoảng 5.689 m3 đất, đá; 5 tràn bị tắc, ngập, 5 cầu bị hư hỏng...
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 30 công trình thủy lợi bị sạt lở, vùi lấp, xói lở đập, sân tiêu năng; 32 m kênh mương bị sạt lở, vùi lấp; 14 cột điện bị nghiêng, hư hỏng; 7 điểm trường và nhà xưởng bị tốc mái, sạt lở. Một trụ sở UBND xã, 2 trụ sở công an xã, 1 trạm y tế xã, 2 nhà văn hóa và 1 khu dân cư bị sạt lở taluy dương. Một số vùng trũng thấp thuộc xã Nam Mẫu, Khang Ninh (huyện Ba Bể), xã Nam Cường (huyện Chợ Đồn), thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì) hiện vẫn đang ngập.
Ước tính, tổng thiệt hại trên 110 tỷ đồng.
Để ứng phó, khắc phục hậu quả mưa, lũ, sạt lở đất, đá, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, các thành viên Ban chỉ huy về phòng, chống thiên tai, các sở, ngành đã thành lập đoàn kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương khắc phục thiệt hại; chỉ đạo các địa phương không chủ quan, lơ là, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và Nhà nước.
Sáng 9/9, đoàn công tác của lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh trực tiếp kiểm tra, chỉ đạo tại các địa phương và kiểm tra công tác đảm bảo an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện, giao thông... Ngành Giáo dục Bắc Kạn tiếp tục cho học sinh nghỉ học ngày 9/9. Trong các ngày từ 8 - 9/9, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh huy động gần 200 người thường trực trực tiếp tham gia khắc phục hậu quả tại các địa phương.
Các cấp chính quyền đã huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ hỗ trợ nhân dân khắc phục hư hỏng về nhà ở, di dời khẩn cấp đến nơi an toàn đối với người dân có nhà bị sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao. Sở Giao thông vận tải huy động máy móc, thiết bị, lực lượng tổ chức khắc phục sạt lở, đảm bảo thông đường bước 1 đối với các vị trí bị sạt lở.
Đến chiều 9/9, các công trình hồ chứa trên địa bàn tỉnh vẫn đảm bảo an toàn. Riêng hồ chứa nước Nặm Cắt, mực nước hồ đang lên nhanh, hiện tại ở cao trình +164,6m, trên mực nước dâng bình thường 0,9m (cao trình mực nước dâng bình thường +163,7m).
Do thiệt hại lớn, Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại do thiên tai tại tỉnh Bắc Kạn.