Bắc Kạn xác minh nguyên nhân cây bí xanh thơm chết hàng loạt

Tại tỉnh Bắc Kạn, nhiều dàn bí xanh thơm chỉ còn trơ khung, không có dây bí leo. Thậm chí có những dàn bí dây leo kín nhưng thân, lá bí héo rũ như bị cắt gốc. 

Chú thích ảnh
Với 2.600m2 bí xanh thơm được trồng, anh Vi Văn Toại ở thôn Pác Nghè (xã Địa Linh) xác định vụ bí này của gia đình anh gần như mất trắng. Ảnh: Nguyễn Công Hải/TTXVN

Chị Trầm Thị Thủy, thôn Loỏng Lứng (xã Yến Dương, huyện Ba Bể) chia sẻ, vụ này gia đình chị trồng tất cả 2.500m2 bí xanh thơm. Như những năm trước, thời điểm này, những dàn bí sai trĩu quả của nhà chị, quả đã già có lớp phấn trắng bao phủ, đã cho thu hoạch nhưng năm nay bí mới ra quả. Với thâm niên năm năm trồng bí thơm, hiện tượng bí leo kín dàn, đang tươi tốt, đơm hoa kết quả nhưng bỗng dưng bị héo rũ, chết hàng loạt kiểu này chị cũng không biết nguyên nhân.

Bí thư Đảng ủy xã Yến Dương Vi Văn Hữu cho biết: vụ bí này xã trồng tất cả khoảng 60ha bí xanh thơm. Do ảnh hưởng của bệnh, đến giai đoạn leo dàn, bí chết dần chỉ còn khoảng 50% diện tích. Đến nay, bí lại xuất hiện hiện tượng héo xanh, khiến cây bí chết hoàng loạt. Bí cũng mới bắt đầu ra bói quả nên xã xác định mất trắng cả vụ bí này. Xã đã đề nghị mời Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp của huyện Ba Bể về tư vấn cho bà con thực hiện các biện pháp phòng chống nhưng cũng không khống chế được.

Tương tự như ở xã Yến Dương, nhiều dàn bí xanh thơm ở xã Địa Linh cũng xuất hiện hiện tượng bị héo, chết tương tự. Anh Vi Văn Toại ở thôn Pác Nghè (xã Địa Linh) cho biết, anh đã trồng giống bí thơm thành công từ năm 2017. Vụ này gia đình anh tiếp tục trồng 2.600m2 bí xanh thơm. Vụ bí này của nhà anh mới xuất hiện hiện tượng bí bỗng dưng héo quắt, rễ thối nũng rồi sau vài ngày thì chết hàng loạt. Anh Toại xác định vụ bí này của gia đình anh gần như mất trắng.

Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn (Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Bắc Kạn) cho biết: Ngày 8/5, Chi cục đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ba Bể, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể kiểm tra, xác minh thực địa trồng cây bí xanh thơm tại xã Yến Dương và xã Địa Linh. 

Chú thích ảnh
Nguyên nhân bí héo chết hàng loạt là do nấm gây bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng. Ảnh: Nguyễn Công Hải – TTXVN

Kết quả cho thấy, tại thôn Khuổi Luồm (xã Yến Dương) và thôn Nà Đúc (xã Địa Linh) có khoảng hai ha trồng bí xanh thơm giai đoạn ra hoa - tượng trái, thu hoạch có hiện tượng trên thân có đốm hình bầu dục, hơi lõm, màu vàng nhạt, có nhựa nâu đỏ, đen ứa ra, dây nứt nẻ thành vết dài màu nâu xám. Phần gốc và rễ của một số cây bị thối, thân cây và lá héo, cây bị chết; tỷ lệ cây bị chết khoảng 80 - 100% số cây. Nguyên nhân được xác định do nấm gây bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng (bệnh héo cây) gây ra.

Để chủ động phòng trừ, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh hại cây bí xanh thơm gây ra, giúp người dân an tâm sản xuất, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh đã đề nghị Phòng Nông nghiệp và Môi trường, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ba Bể phối hợp, phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên bám sát địa bàn, thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện, dự tính, dự báo, xác định chính xác thời điểm phát sinh, gây hại của các loại sâu, bệnh hại chính để chủ động chỉ đạo, hướng dẫn phòng trừ. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn người dân nhận biết và biện pháp phòng trừ bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng. 

Chú thích ảnh
Bí xanh thơm héo chết hàng loạt tại khu trải nghiệm vườn bí xanh thơm ở xã Yến Dương. Ảnh tư liệu: Nguyễn Công Hải/TTXVN

Cụ thể, đối với các diện tích bị bệnh nặng, không có khả năng phục hồi, tiến hành thu gom và tiêu huỷ toàn bộ cây bị bệnh; bón vôi trên toàn bộ diện tích để diệt trừ nguồn nấm bệnh trong đất. Đối với các diện tích có tỷ lệ bệnh thấp, diện tích chưa xuất hiện bệnh cần thường xuyên thăm đồng, tỉa bỏ bớt các nhánh vô hiệu, lá già tạo độ thông thoáng cho luống bí

Cùng đó, khơi thông rãnh thoát nước, tránh hiện tượng ruộng bị ngập, không thoát nước kịp khi gặp mưa; nhổ bỏ và tiêu huỷ cây bị bệnh nặng, đồng thời bón vôi để xử lý nguồn bệnh trong đất; khi thời tiết có sương ban đêm hoặc khi thấy thân lá cây rậm rạp, xanh tốt cần sử dụng các chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma… hoặc các thuốc như: Booc - đô, Coc 85 WP, Champion 77WP để tưới, phun phòng bệnh; khi cây bị bệnh sử dụng một trong các loại thuốc như: Revus opi 440SC, Score 250EC, Aliette 80WP, Ridomil Gold 68WP… để phun trừ. Để đạt hiệu quả cao trong khi dùng thuốc trừ bệnh cần phun lặp lại lần 2 sau 4-5 ngày.

Trong thời gian trị bệnh cho cây cần giảm lượng nước tưới, tuyệt đối không được làm ướt lên thân, lá khi tưới; hạn chế bón đạm, bổ sung canxi, kali cho cây để giúp cây phục hồi nhanh hơn. Đối với các diện tích trồng bị liên tục nhiều chu kỳ, những diện tích đã bị bệnh nặng, các chu kỳ sau cần xử lý đất bằng vôi bột trước khi trồng và tuân thủ về mật độ, kỹ thuật chăm sóc. Đồng thời, khuyến cáo người dân cần luân canh trồng các cây trồng khác họ bầu bí...

Chú thích ảnh
Tại thôn Khuổi Luồm (xã Yến Dương) và thôn Nà Đúc (xã Địa Linh) có khoảng hai héc ta trồng bí xanh thơm có hiện tượng đốm hình bầu dục trên thân, hơi lõm, màu vàng nhạt, có nhựa nâu đỏ, đen ứa ra, dây nứt nẻ thành vết dài màu nâu xám. Ảnh: Nguyễn Công Hải – TTXVN

Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng tỉnh cũng đã đề nghị Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Ba Bể chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND các xã, thị trấn rà soát chính xác diện tích cây bí xanh thơm bị chết do bệnh nứt thân chảy nhựa, bệnh héo vàng trên địa bàn huyện và gửi kết quả về Chi cục trước ngày 14/5/2025 để tổng hợp, báo cáo cơ quan cấp trên.

Ông Hoàng Thanh Bình cho biết thêm, bệnh chảy nứt thân chảy nhựa trên cây bí do nấm Mycosphaerella melonis gây ra. Nấm phát sinh và gây hại nặng trong điều kiện ẩm độ và nhiệt độ cao, cây trồng được bón thừa đạm. Nấm bệnh tồn tại trong tàn dư cây bệnh, gặp điều kiện nhiệt độ cao, ẩm độ cao sẽ phát sinh thành dịch gây hại trên diện rộng.

Bí xanh thơm là một loại cây đặc sản bản địa được trồng chủ yếu ở huyện Ba Bể (tỉnh Bắc Kạn). Vụ bí này huyện Ba Bể trồng khoảng 175ha và trồng nhiều ở xã Yến Dương, xã Địa Linh. Vùng trồng bí xanh thơm ở Yến Dương, Địa Linh còn bước đầu thu hút được khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm và mua sản phẩm bí. Từ năm 2020, sản phẩm bí xanh thơm của một hợp tác xã ở xã Yến Dương đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao...

Sơn Hải (TTXVN)
Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn 2025: Sông Cầu - Nơi ngọn nguồn hội tụ, mạch nguồn di sản
Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn 2025: Sông Cầu - Nơi ngọn nguồn hội tụ, mạch nguồn di sản

Tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch Bắc Kạn với chủ đề "Sông Cầu - Nơi ngọn nguồn hội tụ" tối 25/4. Sự kiện mang ý nghĩa liên kết vùng, nhằm tôn vinh và quảng bá tiềm năng văn hóa, du lịch đặc sắc của Bắc Kạn và các tỉnh nằm dọc lưu vực sông Cầu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN