Bắc Giang tập trung ứng phó với nguy cơ về đê điều và hồ đập

Chiều 10/9, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình thiệt hại và triển khai các phương án khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Chú thích ảnh
Cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện Sơn Động giúp dân dọn dẹp môi trường sau khi lũ rút. Ảnh: TTXVN phát

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, hiện địa phương đang có 2 nguy cơ lớn là nguy cơ về hệ thống đê điều do nước lên cao ở sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam và nguy cơ về các hồ đập đang vượt công suất thiết kế. Ngoài ra còn các nguy cơ về ngập úng, tai nạn thương tích, thiệt hại về người và của đang hiện hữu...

Để khắc phục hậu quả mưa bão, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị các địa phương tăng cường công tác kiểm tra hệ thống đê điều, thực hiện nghiêm công tác tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định; kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm 4 tại chỗ; bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê. Về an toàn hồ đập, mỗi hồ đập phải thành lập tổ thường trực, nếu có sự cố phải phát hiện ngay và xử lý kịp thời.

Đồng thời, các địa phương tập trung chỉ đạo khẩn trương khắc phục các thiệt hại do mưa bão, lũ lụt gây ra, như tình trạng ngập úng, xử lý sạt lở giao thông, chia cắt bằng mọi cách; khẩn trương khôi phục hoàn toàn về điện, viễn thông, nước sạch. Trong tuần này tất cả các trường học phải được  tu sữa xong để học sinh đến trường.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu, căn cứ các quy định, các địa phương khẩn trương thống kê thiệt hại, các ngành phối hợp hướng dẫn các địa phương để tỉnh sớm có phương án hỗ trợ. Cùng đó, ngành y tế phối hợp các địa phương nhanh chóng xử lý môi trường sau bão lũ để tránh dịch bệnh. Riêng hỗ trợ về ngân sách cần thực hiện ngay, ngành nào cần trước thì ưu tiên. Ngành thuế, ngân hàng, bảo hiểm cần vào cuộc hỗ trợ cho các hộ dân, doanh nghiệp bị thiệt hại do bão. Bên cạnh đó, những nơi nước rút cần nhanh chóng khôi phục sản xuất; ngành Công Thương có biện pháp ngăn cấm lợi dụng thiên tai để đầu cơ, tích trữ, tăng giá. Các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu về nhiệm vụ của từng loại đê; tuyên truyền các tấm gương tốt, giúp dân trong bão lũ; phê phán, xử ký kịp thời các thông tin thất thiệt, gây hoang mang trong nhân dân.

Theo báo cáo, đến 12 giờ ngày 10/9, do ảnh hưởng của bão số 3 tỉnh Bắc Giang có 1 người chết, 7 người bị thương, 8 nhà ở bị đổ sập, tốc mái 2.560 nhà.

Về sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh thiệt hại một phần với diện tích khoảng 17.138 ha lúa đang phơi đòng bị gãy đổ;  trên 797 ha rau màu, 1.927 ha cây ăn quả, 320 ha cây trồng hàng năm; 16.540 ha rừng sản xuất bị gãy đổ; 235 chậu hoa, cây cảnh các loại và 11.290 cây xanh đô thị bị gãy đổ; 14.150 con gia cầm chết hoặc bị cuốn trôi và thiệt hại 11,46 ha thủy sản.

Trên địa bàn tỉnh đổ, gãy 14 cột điện trung thế, đứt 350m dây điện trung thế; đổ, gãy 531 cột hạ thế và đứt 5.505m dây điện hạ thế; hư hỏng 1 trạm biến thế; 267 trường phải cho học sinh nghỉ học, gần 6.000 m2 mái tôn trường học bị hỏng; hơn 850m tường rào bị đổ; 14 cổng trường, 650 cây xanh trường học gãy đổ; 64 thiết bị giảng dạy bị hư hỏng. Đồng thời, 65 điểm đường giao thông trên các tuyến quốc lộ bị sạt lở, ách tắc, chiều dài sạt lở, hư hỏng 869m, chiều dài ngập 14.670m và thiệt hại 1.307 các công trình phụ trợ khác... Cùng đó, một số ngầm tràn nhỏ bị vỡ ở Biên Sơn, Lục Ngạn như Đập Trại Lửa, đập Bấu.

Để đảm bảo an toàn cho dân trong bão số 3, các huyện, thành phố, thị xã đã thực hiện sơ tán, di dời dân bị ảnh hưởng lũ của các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam với khoảng 2.622 hộ, khoảng 10.500 người (khi ứng phó với bão số 3 đổ bộ vào địa bàn tỉnh).

Đối với các khu dân cư sống ở bãi sông lưu vực sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam (tuyến sông có đê) khi lũ tiếp tục lên cao, các địa phương đã thực hiện di dời, sơ tán nhân dân đến nơi an toàn với tổng số khoảng 7.009 hộ, dân số khoảng 25.877 người; tập trung ở các huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Lục Nam, Thành phố Bắc Giang, Tân Yên, Lạng Giang.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Giang, lúc 13 giờ ngày 10/9 mực nước sông Cầu, sông Thương ở trên mức báo động 3; sông Lục Nam tại Lục Nam ở mức báo động 3. Dự báo trong đêm nay, mực nước sông Thương, sông Cầu sẽ lên đỉnh và xuống chậm vào các ngày tiếp theo.

Hệ thống các tuyến đê cấp II, III và IV trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này ổn định an toàn, một số tuyến đê cấp V (đê bối, bờ bao bờ vùng) đã bị tràn qua mặt đê gây ngập, ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp (khu vực xã Vũ Xá, Cương Sơn, Đan Hội, Huyền Sơn, Thị trấn Đồi Ngô, Tam Dị... của huyện Lục Nam; khu vực xã Mai Trung, Đại Thành... của huyện Hiệp Hòa; xã Vân Hà huyện Việt Yên, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế).

Đối với 274 hồ chứa các loại trên địa bàn tỉnh đang đạt trung bình khoảng 107,5%, các hồ đập cơ bản đảm bảo an toàn.

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam Đặng Văn Nhàn cho biết, các nguy cơ trên địa bàn huyện hiện nay đó là phía hạ lưu cầu Cẩm Lý nước sông đang lên gây nguy cơ ngập lụt ở một số xã. Huyện còn 12 xã chưa có điện; hơn 10 trường học sinh đang nghỉ học; các hồ chứa trên địa bàn huyện đã đầy và đang xả nếu tiếp tục mưa to sẽ có nguy cơ ngập lụt nhiều xã.

Tại huyện Lục Ngạn, nước lũ đang rút còn 15 thôn đang bị chia cắt, trong đó xã Sa Lý đang bị chia cắt, cô lập toàn bộ; dự kiến ngày mai sẽ có 93 trường cho học sinh quay lại học, còn 3 trường tiếp tục cho học sinh nghỉ. Hiện mới có 14/29 xã có điện, nhiều xã vẫn chưa khôi phục được liên lạc.

Nhiều ý kiến đề nghị tỉnh sớm có hướng dẫn, quy định về các thủ tục hỗ trợ người dân do thiệt hại bão lũ để triển khai đồng bộ, thống nhất trên toàn tỉnh; khẩn trương khắc phục các điểm sạt lở trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, ngầm tràn để đảm bảo giao thông thông suốt. Ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các hộ đang vay nuôi gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả bị thiệt hại do bão lũ. Ngành chức năng hỗ trợ giống, phân bón cho các vùng nông nghiệp bị thiệt hại; sớm sữa chữa các sự cố để đảm bảo cấp điện, cấp nước, thông tin liên lạc sớm nhất cho người dân...

Đồng Thúy (TTXVN)
Triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà
Triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà

Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn vừa ký Công điện số 91/CĐ-TTg ngày 10/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ gửi Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 3 tỉnh: Lào Cai, Hà Giang và Yên Bái về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp bảo đảm an toàn đập thủy điện Thác Bà.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN