Bắc Giang khơi thông điểm nghẽn giúp doanh nghiệp phát triển

Ngày 12/10 tại thành phố Bắc Giang, Thường trực Tỉnh ủy Bắc Giang tổ chức Hội nghị tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân năm 2021. Tham dự có ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang; Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành địa phương, cùng 180 doanh nhân đại diện cho các doanh nghiệp đang đầu tư sản xuất trên địa bàn tỉnh và các đại biểu dự trực tuyến qua phần mềm Zoom.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh Bắc Giang hiểu rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng của các doanh nghiệp, doanh nhân. Đồng thời, cùng tìm giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn trước mắt, hướng đến các mục tiêu phát triển lâu dài, bền vững.

Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cơ hội, tiềm năng của tỉnh Bắc Giang; hiểu rõ quan điểm, chủ trương và quyết tâm của tỉnh trong việc phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, doanh nhân bằng kinh nghiệm thực tiễn của mình tích cực tham gia hiến kế cho tỉnh những chủ trương, cơ chế, chính sách, giải pháp mới mang tính tạo đột phá phát triển trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển quê hương, đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái nhấn mạnh: Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới và trong nước sẽ còn diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, tỉnh Bắc Giang là địa bàn luôn phải đối mặt với nguy cơ rất cao dịch xâm nhập, bùng phát trở lại. Qua trao đổi, tiếp xúc, nắm bắt tình hình, lãnh đạo tỉnh nhận thấy cộng đồng doanh nghiệp đã và đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Điều doanh nghiệp lo lắng nhất là nguy cơ phải dừng sản xuất kéo dài, dẫn tới đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất, khiến doanh nghiệp phá sản.

Dù lãnh đạo tỉnh Bắc Giang đã tích cực chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư sản xuất kinh doanh, song kết quả đạt được vẫn chưa như kỳ vọng, mong muốn. Vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa quan tâm đúng mức đến lãnh đạo, chỉ đạo để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện một số nhiệm vụ chưa đạt yêu cầu. Cán bộ cấp cơ sở ở nhiều nơi chưa tích cực tham gia các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là trong bồi thường, giải phóng mặt bằng; cá biệt còn có biểu hiện cán bộ gây phiền hà, khó khăn, sách nhiễu đối với doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, việc nắm bắt kịp thời những khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp cũng như tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của đội ngũ doanh nhân sẽ giúp lãnh đạo tỉnh và các cơ quan quản lý nhà nước có giải pháp phù hợp để tháo gỡ các nút thắt, khơi thông điểm nghẽn cho sự phát triển.

Hiện nay, Bắc Giang đang tập trung trọng tâm vào các nhóm giải pháp để phát triển kinh tế xã hội gồm: hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách hành chính; trong đó, đặc biệt chú trọng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tạo hành lang thông thoáng cho nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động.

Cùng với việc xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đáp ứng yêu cầu phát triển, trọng tâm là tập trung vào hạ tầng giao thông với các tuyến đối ngoại, vành đai kết nối với các địa phương lân cận, kết nối với hệ thống cảng biển, sân bay, tỉnh phát triển toàn diện nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với khơi dậy khát vọng phát triển.

Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trên cả 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra, tập trung xây dựng, phát triển đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp của tỉnh để nâng cao nội lực tự thân của nền kinh tế nhằm đảm bảo yêu cầu phát triển toàn diện, vững chắc.

Tại hội nghị, với tinh thần cởi mở, thoải mái, nói thẳng, nói thật các đại biểu đã nêu lên nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bắc Giang trên nhiều lĩnh vực như: quy hoạch, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính liên quan đầu tư, đất đai, tiếp cận tín dụng,  đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, viên chức…

Ông Ngô Văn Khanh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Bắc Giang cho biết, giá thuê đất dịch vụ trên địa bàn tỉnh còn cao, do đó tỉnh cần có chính sách để đưa giá thuê đất xuống thấp hơn. Bên cạnh đó, quy hoạch xây dựng trên địa bàn tỉnh chưa được phủ kín, nhiều khu vực chưa có quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng làm cơ sở lập dự án đầu tư xây dựng; chưa thống nhất giữa các quy hoạch có liên quan như quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng huyện, do vậy các dự án xin chấp thuận chủ trương đầu tư mới bị chậm lại, phải đợi chờ bổ sung điều chỉnh quy hoạch.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng nêu lên những khó khăn bởi dịch COVID-19 như: chi phí sản xuất của doanh nghiệp thời gian qua tăng mạnh do phải thực hiện chi phí xét nghiệm COVID-19 cho công nhân và bố trí cho công nhân ăn, ngủ, nghỉ tại nơi sản xuất.

Đồng thời, chịu thêm các chi phí phát sinh về việc phòng chống dịch bệnh COVID-19 như: chi phí test nhanh, test PCR, chi phí khử khuẩn, chi phí ăn ở, đi lại cho công nhân… Nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc trả lãi vay đúng hạn, dẫn đến tình trạng nợ xấu, khó có thể tiếp cận các khoản vay mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng, cửa hàng, nhà xưởng trong khi phải tạm ngừng hoạt động.

Đại diện nhiều doanh nghiệp cũng “hiến kế” để phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh như: Bắc Giang cần yêu cầu các địa phương quyết liệt hơn nữa trong công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm tạo ra môi trường thông thoáng, thu hút đầu tư tốt ở cấp địa phương, đặc biệt là các lĩnh vực đầu tư, đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng.

Chú thích ảnh
Đại diện doanh nghiệp, doanh nhân kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo tỉnh, các sở, bạn, ngành để tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Các cấp, các ngành, địa phương tăng cường hơn nữa công tác đối thoại với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực hoặc địa bàn mình quản lý nhằm giải quyết thấu đáo, triệt để vấn đề cho doanh nghiệp. Cùng đó, quán triệt tất cả các cơ quan, đơn vị, cán bộ thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp, nhà đầu tư, phải nêu cao tinh thần, đạo đức công vụ, không gây sách nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Bắc Giang cần đẩy nhanh thực hiện các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số để thúc đẩy doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất kinh doanh, đổi mới quy trình và công nghệ sản xuất; từng bước chuyển khu vực kinh tế dịch vụ đơn thuần sang số hoá như: thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến trong lĩnh vực giáo dục và y tế….

Đồng thời, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng lao động để bù đắp lực lượng lao động thiếu hụt do phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Điều này, nhằm đảm bảo cho quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thông qua hệ thống Trung tâm dịch vụ việc làm và các phương tiện truyền thông.

Đồng Thúy (TTXVN)
Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân
Bộ Tài chính thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân

Bộ Tài chính vừa có Quyết định số 1951/QĐ-BTC thành lập Tổ công tác đặc biệt của Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN