Bắc Giang bảo đảm tiến độ sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Theo UBND tỉnh Bắc Giang, tỉnh đang tích cực triển khai, bảo đảm tiến độ Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 ngày 28/9/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 - 2025 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025).

Chú thích ảnh
Trung tâm đô thị Thị trấn Chũ. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Theo đó, tỉnh sắp xếp lại 4 đơn vị hành chính cấp huyện (nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với thành phố Bắc Giang; sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động); sắp xếp 34 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 17 đơn vị hành chính cấp xã; thành lập 13 phường thuộc thành phố Bắc Giang, 5 phường thuộc thị xã Chũ; thành lập thị trấn Phì Điền, Biển Động thuộc huyện Lục Ngạn.

Tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tỉnh Bắc Giang vào ngày 17/12/2024.

Tỉnh Bắc Giang xác định, sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và phát triển đô thị nhằm tổ chức hợp lý đơn vị hành chính, thực tiễn phát triển của mỗi đơn vị hành chính cấp huyện và tỉnh Bắc Giang; góp phần phát huy tốt các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và nâng cao tỷ lệ dân số đô thị phù hợp xu hướng chung toàn quốc.

Thực hiện Kế hoạch trên, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh tổ chức tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 đến các tầng lớp nhân dân; sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức và đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất để các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau sắp xếp ổn định, đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2025.

Tỉnh xác định rõ nội dung nhiệm vụ của mỗi cơ quan, đơn vị có liên quan trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cơ sở để chủ động triển khai thực hiện phù hợp với quy định và tình hình thực tế ở địa phương.

Việc tổ chức triển khai Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15 phải đảm bảo theo hướng dẫn của Trung ương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước; đảm bảo điều kiện hoạt động liên tục của hệ thống chính trị; không làm ảnh hưởng đến đời sống, hoạt động sản xuất kinh doanh của cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Ủy ban nhân dân cấp huyện có sắp xếp đơn vị hành chính xây dựng kế hoạch cụ thể; giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai Nghị quyết số 1191/NQ-UBTVQH15. Bên cạnh đó, chỉ đạo sắp xếp trụ sở, tài chính, tài sản công dôi dư; công tác bàn giao tài chính, tài sản công, hồ sơ, tài liệu đảm bảo theo quy định của pháp luật; thực hiện công tác tuyển dụng, tiếp nhận vào công chức, viên chức, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử các chức danh lãnh đạo, quản lý đảm bảo nhân sự phục vụ đại hội đảng bộ các cấp và quy định tại Nghị quyết số 35/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cùng các văn bản pháp luật hiện hành.

Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh hướng dẫn việc quản lý các dự án đầu tư đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của dự án theo quy định; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư, xây dựng trụ sở làm việc, các công trình hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ công thiết yếu; tiếp nhận và phân bổ kịp thời nguồn kinh phí được hỗ trợ theo Nghị quyết số 35/2023/UBTVQH15.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh hướng dẫn công tác quản lý đất đai, tài nguyên và môi trường, việc chuyển đổi các giấy tờ liên quan đến lĩnh vực đất đai, tài nguyên, môi trường, đặc biệt là hồ sơ, tài liệu đang trong thời gian thực hiện thủ tục hành chính công.

Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu làm thủ tục công bố Quyết định thành lập mới, giải thể, sáp nhập và đổi tên các đơn vị, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ theo quy định của ngành…

Thành phố Bắc Giang là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa - xã hội của tỉnh Bắc Giang, có vị trí thuận lợi về giao thông, cách thủ đô Hà Nội 50 km về phía Bắc, ở vị trí trung lộ trên tuyến giao thông huyết mạch chiến lược nối Thủ đô Hà Nội với thành phố Lạng Sơn và cửa khẩu quốc tế Đồng Đăng, tạo thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và đô thị.

Huyện Yên Dũng có vị trí tiếp giáp với thành phố Bắc Giang và các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, liền kề các trung tâm công nghiệp, đô thị lớn. Huyện Yên Dũng được sáp nhập với thành phố Bắc Giang sẽ tạo động lực, không gian rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần rất quan trọng phát triển tỉnh Bắc Giang.

Bắc Giang là tỉnh trung du thuộc vùng Đông Bắc Bộ, nằm trong quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội. Hiện nay, ngoài thành phố Bắc Giang (là đô thị trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế - văn hóa, xã hội) thì vùng phía Đông Bắc của tỉnh chưa có đô thị động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Do vậy, cần thiết phải đầu tư xây dựng thị xã Chũ - đô thị trung tâm tương xứng, nhằm tạo động lực mạnh để phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Bắc tỉnh Bắc Giang cũng như của cả khu vực Đông Bắc bộ. Sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ sẽ tạo ra động lực không gian phát triển đô thị mới cho tỉnh Bắc Giang.

Việt Hùng (TTXVN)
Cử tri quan tâm đến việc sáp nhập đơn vị hành chính và nhà ở xã hội
Cử tri quan tâm đến việc sáp nhập đơn vị hành chính và nhà ở xã hội

Trong hai ngày (từ ngày 2 - 3/12), Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, Quảng Trị và Bình Phước đã tổ chức các buổi tiếp xúc cử tri sau Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN