Đồng bào dân tộc Khmer ở nước ta có nhiều truyền thống văn hóa, trong đó văn hóa tín ngưỡng đối với đạo Phật gắn liền trong đời sống tâm linh của đồng bào.
Theo đạo Phật, chùa có vị trí hết sức quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer: Là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, nơi lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của dân tộc, nơi thờ phụng hài cốt của ông bà quá cố...
Trong mỗi ngôi chùa, thường có nhiều ngôi tháp và đó chính là nơi mà các gia đình xây dựng để gửi tro cốt của người quá cố trong dòng họ mình. Đồng bào dân tộc Khmer sống tập trung đông nhất là ĐBSCL. Ở đây, họ có quan hệ tốt đẹp với người Kinh, người Hoa và cùng đoàn kết chống thực dân, đế quốc giành độc lập dân tộc.
Theo truyền thống, con trai người dân tộc Khmer lớn lên là phải đi tu một thời mới tròn đạo nghĩa. Nghi thức quy y tam bảo của thanh niên người dân tộc Khmer. |
Vào ngày cuối của Tết Chol Chnam Thmay, đồng bào tập trung lại tắm Phật để sám hồi và nguyện sẽ từ bỏ những việc ác, thực hành thiện nghiệp. |
|
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của đồng bào tập trung ở các chùa và hai salaten. Việc sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng không chỉ bó hẹp trong việc hành lễ, giảng đạo, mà còn có các hoạt động văn hóa phong phú lành mạnh. Ngoài việc đến chùa bái Phật, thỉnh pháp, hành lễ, dâng cơm đến chư đại đức tăng thì những hoạt động văn hóa - nghệ thuật cùng với các trò chơi dân gian vừa mang tính chất tôn giáo vừa mang tính thế tục đã trở thành những buổi sinh hoạt văn hóa, lễ hội không thể thiếu.
Nội dung của các hoạt động này nhằm dạy bảo con người nên sống theo chân lý, cái hay, cái đúng nên làm và tuyệt đối tránh xa cái xấu, cái ác. Một trong những lễ hội nổi bật như: Tết Chol Chnam Thmây, lễ hội Đôn Ta, lễ hội Ok om bok, đại lễ Dâng y… đã quy tụ nhiều phật tử Khmer về dự lễ cúng dường và tham dự các trò chơi dân gian, giải trí.
Trong ngày lễ dâng y, y phục và các vật để dâng lên ngôi tam bảo được đồng bào tôn kính đội trên đầu. Con trai từ biệt cha mẹ để vào chùa quy y tam bảo. |
Trước khi trở thành nhà sư, người con trai dân tộc Khmer phải ở chùa một thời gian để học những bài kinh cơ bản. |
|
Hiện nay, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo trong vùng đồng bào dân tộc Khmer có tính lan tỏa, liên kết cộng đồng rất mạnh mẽ, để phát huy giá trị tinh thần của tôn giáo, của dân tộc, nhất là từ khi có pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể các cấp luôn tạo điều kiện thuận lợi để các tôn giáo tiến hành các nghi lễ trong cộng đồng các dân tộc đúng theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nhiều chùa được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trùng tu xây dựng với quy mô lớn, phục vụ cho các hoạt động lễ hội, quan tâm đầu tư để bảo tồn các di tích văn hóa ở các chùa, salaten, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư nhằm giảm bớt các tệ nạn xã hội ở vùng đồng bào dân tộc theo tinh thần “tốt đời đẹp đạo”.
Sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của dồng bào dân tộc Khmer là một sinh hoạt lành mạnh, góp phần đáng kể làm đa dạng hóa các hoạt đồng văn hóa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, dù ít hay nhiều thì trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng tôn giáo ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói chung, đồng dân tộc Khmer nói riêng vẫn còn tồn tại nhiều hình thức tiêu cực, thiếu lành mạnh, còn mang ý nghĩa thực dụng, do tác động của kinh tế thị trường, dẫn đến việc tổ chức nghi lễ rườm rà, tốn kém trong việc thờ cúng làm lấn áp niềm tin trong sáng của tín đồ. Các hiện tượng kinh doanh buôn bán trục lợi ở các cơ sở thờ tự đã và đang làm biến dạng, làm mất đi nét đẹp vốn có đặc sắc trong đồng bào dân tộc Khmer.
Xuân Trang