Tượng nhà mồ - Nét văn hóa tâm linh đặc trưng của cộng đồng dân tộc Tây Nguyên

Tượng nhà mồ là loại hình nghệ thuật điêu khắc độc đáo - Ảnh Internet

Cộng đồng các dân tộc J’rai, Bahnar, Ê đê… thuộc khu vực Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng luôn quan niệm rằng: Sau khi chết, con người vẫn luôn luôn tồn tại. Ở "thế giới" bên kia, họ cũng cần được chia phần của cải, những vật dụng thiết yếu nhất để sinh hoạt, cũng cần sự chăm sóc, phụng dưỡng của con cháu như khi đang còn sống. Và để giúp người sang thế giới bên kia được vui vẻ cùng với Yang - Atau (ông bà, tổ tiên), những bức tượng gỗ (tượng nhà mồ) được giao nhiệm vụ là người hầu cho những linh hồn đã khuất (người J’rai gọi là Hlun, người Bahnar gọi là Đik). Cùng với thời gian, tượng nhà mồ trở thành một nét văn hoá tâm linh riêng biệt, không thể trộn lẫn.

Theo chân già làng Rơ Châm Kra, làng Kép I, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah (Gia Lai) chúng tôi tới thăm khu nhà mồ tại làng Kép I, làng Kép II nằm phía cuối làng. Dưới những gốc cây cổ thụ rêu phong, những bức tượng hình người, vật với đủ hình thù kì dị đứng yên lặng trong bóng chiều quạnh hiu, u tịch. Không gian tuy trầm lặng mà có hồn, có cảm, đó là những “lễ vật” thể hiện các cung bậc cảm xúc, lòng tiếc thương của người sống đối với người đã khuất.

Tại khu nhà mồ làng Kép I, chúng tôi như lạc vào mê cung tượng gỗ với rất nhiều hình tượng phong phú, đa dạng về cách thể hiện xung quanh quan niệm về sự sinh thành. Một cặp tượng trai gái đang giao hoan, bên cặp tượng trai gái đó là tượng người đàn bà đang mang thai, còn các góc quanh rào là tượng những hài nhi đang ngồi khóc trong hoài tưởng… Lý giải về ý nghĩa của những bức tượng, già làng Rơ Châm Kra bày tỏ: “Lũ làng tôi xem Hlun là tất cả tình cảm như khi còn sống, vì thế họ cũng cần được sẻ chia của cải vật chất và tinh thần như khi họ còn đang sống. Đây là tình cảm thiêng liêng, giản dị của những người đang sống đối với những linh hồn đã khuất về với thế giới bên kia”. Cũng theo già Rơ Châm Kra, tượng nhà mồ biểu hiện ý niệm về sự sinh thành nên nghệ nhân tạc tượng thường tập trung diễn đạt xung quanh ba hình ảnh chủ điểm: Giao hoan, đàn bà mang thai và hài nhi được thể hiện cùng một lúc trên một mặt phẳng của lối rào quanh mồ.

Với trí tượng tưởng cũng như những quan niệm đã có từ lâu, những bức tượng nhà mồ được tạo nên đều lấy hình ảnh từ cuộc sống thường ngày, rất gần gũi và thân quen. Như một số tượng người ôm mặt khóc thể hiện sự hoài niệm về cuộc sống; tượng người đánh trống đánh chiêng thể hiện không khí hồ hởi, âm vang trong sinh hoạt cộng đồng hay tượng thể hiện hình những con vật trung thành, gần gũi được gửi theo để phục vụ người chết…

Với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, tượng nhà mồ mang tất cả thông điệp, hơi thở cuộc sống buôn làng cho những linh hồn sang thế giới của Yang - atâu. Là người gắn cuộc đời mình với gia đình, cộng đồng cùng nỗi thương tiếc, hoài niệm khôn nguôi về những người đã khuất. Dù đã trải qua hơn 80 mùa rẫy nhưng đôi tay của già Rơ Châm Kra vẫn còn khéo léo, tâm hồn thanh thoát và tinh thần luôn nhẫn nại khi tạc tượng nhà mồ. Suốt gần 60 năm cầm con dao, cái đục đẽo gỗ gắn với công việc tạo ra các Hlun, già Rơ Châm Kra hiểu rõ ý nghĩa linh thiêng của từng hình tượng được đẽo gọt. Già làng Rơ Châm Kra bộc bạch: “Vợ tôi cũng đã mất đến nay đã gần 4 năm, tôi sẽ gửi theo cho bà ấy một cặp tượng vợ chồng. Để bà ấy ở bên kia có người làm bạn, không còn phải cô đơn”.

Mặc dù sau giờ phút “biệt ma” được thể hiện qua lễ bỏ mả và cùng với thời gian với năm tháng, nắng mưa sẽ làm những bức tượng gỗ mục nát, tan biến vào với đất nhưng với cộng đồng dân tộc Tây Nguyên thì tượng nhà mồ đã trở thành một nét văn hoá tâm linh không thể tách biệt, gắn chặt với cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây./.

Quang Thái
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN