Tươi vui chợ Tết vùng cao Trạm Tấu

Mỗi độ xuân về, từ các triền núi, người dân bản người Mông, người Thái... lại náo nức xuống chợ. Những ngày này, chợ Tết cùng cao đông vui như ngày hội. Người bán, kẻ mua lúc nào cũng tấp nập, tràn ngập trong sắc màu mùa xuân.

Lên các bản, làng vùng cao huyện Trạm Tấu (Yên Bái), mùa xuân đang dần hiện hữu, tiếng nói, tiếng cười rộn rã trên nẻo đường của các bà, các chị và trẻ em tung tăng trong bộ váy áo mới xuống chợ.

Khác với ngày thường, giờ này công việc ruộng nương cũng đã vãn, người Mông, người Tày, người Thái tập trung vào việc xuống chợ để sắm Tết cùng những vật dụng cần thiết trong gia đình.

Xuống chợ, đồng bào dân tộc vùng cao nơi đây thường diện những bộ váy áo đủ các sắc màu làm cho các ngả đường tràn ngập không khí đón xuân tươi vui.

Họ gùi trên lưng những đặc sản của núi rừng, những sản vật của dân tộc mình có được do bàn tay lao động làm nên. Mỗi dân tộc lại có tập tục độc đáo của riêng mình làm cho những phiên chợ ở vùng cao thêm phần hấp dẫn.

Ví như đồng bào Mông và Thái rất "kiên định” trong việc giữ giá. Người bán nhất quyết bán với giá đã nói ban đầu. Người ta bày bán đủ thứ ngay trên nền đất trải tấm nilông. Đó là những quả trứng, con gà, xâu măng, túi gừng, những mớ rau cải xanh non, hoa chuối rừng...

Đông vui nhất vẫn là ở các sạp hàng bầy bán hàng chăn, đệm và đồ thổ cẩm, các mẹ, các chị, các cô gái đan xen nhau vây kín quầy hàng để mua chỉ thêu, khăn màu, váy áo mới để diện Tết.

Sắc màu thổ cẩm rực rỡ như những đóa hoa rừng bung nở đúng độ xuân về. Cánh đàn ông lại đi tìm mua quần áo, giày, ủng, đèn pin, thuốc lào... Mọi người tấp nập chọn mua hàng, ồn ào như đi trẩy hội.

Chị Thào Thị Giang, thôn Pá Khoang, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu cho biết: Đi chợ năm nay đông vui lắm, hàng hoá rất sẵn, chẳng thiếu một thứ gì, lại cùng ăn tết chung với người Kinh, người Thái và các dân tộc khác trong huyện nên ngày xuân sẽ càng vui hơn...

Còn chị Lầu Thị Mơ, người bán hàng thổ cẩm chợ Trạm Tấu cho hay: Chợ ngày xuân không chỉ đơn thuần là chuyện mua, chuyện bán mà nó còn là không gian thấm đẫm chất văn hóa địa phương.

Đi chợ ngoài sắm hàng tết, người bản xa còn xuống núi gặp nhau, ai cũng muốn mời nhau chén rượu nồng cay cho bõ một năm lao động vất vả, mệt nhọc. Vì thế, họp chợ vào những ngày giáp Tết bao giờ cũng ấm lên bởi một không gian đặc biệt, một khu dành riêng cho sự giao lưu, trò chuyện và tâm tình của người dân. Đó chính là những gian hàng ẩm thực trong chợ.

Đặc biệt, tại các quán thợ rèn lại được người Mông đến mua hàng nhiều hơn. Ông Thào A Lử, chủ quán thợ rèn chợ Trạm Tấu bộc bạch: Mình làm thợ rèn ở đây lâu năm rồi. Những ngày giáp Tết này, quán mình đông hơn ngày thường rất nhiều. Bà con người Mông ở các xã như Bản Mù, Bản Công, Trạm tấu, Túc Đán, Làng Nhì… đều đến nhờ mình làm dao và sửa cuốc, xẻng… để phục vụ cho sản xuất trong năm mới.

Phong tục của người Mông là trong 3 ngày Tết dán giấy đỏ lên các công cụ lao động hàng ngày và để lên bên cạnh bàn thờ với ước muốn là cầu mong trong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, thu được nhiều thóc, nhiều ngô...

Khác với những năm trước, người Mông Yên Bái đã ăn chung một Tết cổ truyền của dân tộc vì vậy chợ Tết ở huyện vùng cao Trạm Tấu năm nay đã đông vui hơn nhiều. Từ các bản làng xa xôi hẻo lánh mọi người đua nhau để về chợ huyện sắm Tết làm không khí chợ nhộn nhịp hẳn lên.

Chợ tan lúc chiều tà, trên con đường về bản vẳng đâu đó tiếng hát của những chàng trai, những ánh mắt lưu luyến nhìn nhau để hẹn năm sau vào dịp này lại cùng nhau xuống chợ.


Đức Tưởng

Hàng Tết phong phú và chất lượng
Hàng Tết phong phú và chất lượng

Càng gần Tết Nguyên đán, thị trường càng sôi động hơn do người dân đổ xô đi mua sắm. Tết năm nay, người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn hơn nhờ sự cạnh tranh về chất lượng và giá cả hàng hóa...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN