Tiếp tục chính sách hỗ trợ học sinh các dân tộc rất ít người

Theo báo cáo của Bộ GD - ĐT tại hội nghị, tính đến hết tháng 10/2015, tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh dân tộc rất ít người (DTRIN) đến trường tăng, đặc biệt là tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi DTRIN ra lớp.

Tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2123/QĐ - TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015, diễn ra sáng 22/12 tại Hà Nội do Bộ GD - ĐT tổ chức, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định: Sau 5 năm triển khai, được sự chỉ đạo của Chính phủ, sự phối hợp có hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương và sự nỗ lực cố gắng của các địa phương, đề án đã cơ bản được hoàn thành các mục tiêu đề ra: Nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh dân tộc rất ít người, xây dựng được đội ngũ giáo viên bền vững, có chuyên môn; tạo được mạng lưới cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị đồ dùng dạy học tại các điểm trường có học sinh dân tộc rất ít người học tập, giảm đáng kể tỷ lệ học sinh bỏ học.

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định 2123.

Theo báo cáo của Bộ GD - ĐT tại hội nghị, tính đến hết tháng 10/2015, tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh dân tộc rất ít người (DTRIN) đến trường tăng, đặc biệt là tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi DTRIN ra lớp. Cụ thể, đến năm học 2014 - 2015, tỷ lệ huy động trẻ DTRIN 5 tuổi ra lớp đạt 100%, cấp tiểu học đạt 99,77%, cấp THCS đạt 98,83%. Nhiều dân tộc như Cờ Lao, Pu Péo, Bố Y ở Hà Giang, Cống ở Lai Châu, Si La ở Điện Biên, Brâu ở Kon Tum đã huy động đạt 100% học sinh đến trường ở cả 3 cấp học. Việc tăng tỷ lệ huy động trẻ em, học sinh DTRIN đến trường đã góp phần rất lớn trong việc thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS ở các tỉnh có học sinh DTRIN.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, các địa phương đã xây dựng được 96 phòng học, 86 phòng công vụ giáo viên và đầu tư đồ dùng thiết bị dạy học cho các điểm trường tiểu học có học sinh DTRIN từ nguồn kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo. So với mục tiêu đặt ra, số phòng học được xây đạt 89,72%, số phòng công vụ giáo viên đạt 77,48%. Các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Nghệ An hoàn thành 100% việc xây dựng phòng học, các tỉnh Lai Châu, Kon Tum hoàn thành 100% việc xây dựng nhà công vụ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, thời gian tới, bộ sẽ đề xuất với Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên DTRIN theo quy định tại Quyết định 2123 - TTg, cho đến khi có chính sách mới đối với các DTRIN.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Lê Sơn Hải: Giáo dục cho học sinh dân tộc miền núi vốn đã khó khăn, nhưng với học sinh dân tộc rất ít người lại càng khó khăn hơn, do địa bàn sống của đồng bào DTRIN rất hiểm trở, cuộc sống còn rất hoang dã, khó khăn nên đồng bào không có ý thức đầu tư cho giáo dục... Đó là lý do Chính phủ cần có sự quan tâm đầu tư đặc biệt đến công tác giáo dục của vùng dân tộc bằng những đề án như Đề án 2123. 


Vụ trưởng Vụ Dân tộc - Tôn giáo Vũ Hồng Hải: Trước khi triển khai Đề án, chỉ có 55 - 60% học sinh DTRIN được đi học, 29 học sinh được cử tuyển vào ĐH, CĐ, nhiều dân tộc không có học sinh THCS. Sau khi triển khai đề án, tỷ lệ học sinh DTRIN được đến trường, cũng như tỷ lệ học sinh cử tuyển vào ĐH, CĐ đã được cải thiện đáng kể. Trong điều kiện hiện nay, vẫn cần tiếp tục duy trì Đề án 2123, bởi nếu Nhà nước cắt chính sách hỗ trợ này, thì học sinh sẽ bỏ học hàng loạt do nhận thức của đồng bào DTRIN về giáo dục còn kém.


Lê Vân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN