Thiếu kinh phí bảo tồn văn hóa dân tộc rất ít người

Đã có nhiều dự án được thực hiện để bảo tồn bản sắc văn hóa của 5 dân tộc rất ít người bao gồm: Si La, Pu Péo, Rơ Măm, Brâu, Ơ Đu. Nhưng cho đến nay, tốc độ bảo tồn vẫn chưa theo kịp với tốc độ mai một.

Từ năm 2006 đến nay, huyện Tương Dương (Nghệ An) đã tổ chức 6 đợt học tiếng Ơ Đu bằng cách truyền miệng ở bản Văng Môn, cho hơn 300 người. Mỗi đợt gồm 8 buổi, với kinh phí 2 triệu đồng/1 đợt. Lớp học do những người già hiểu biết về văn hóa Ơ Đu đến giảng dạy. Các từ ngữ các cụ còn nhớ đã được biên soạn thành tài liệu để phục vụ việc học. Cụ Lo Hồng Phong (mới chết do tuổi cao), một già làng biết tiếng Ơ Đu cũng được sang bản Khạp, huyện Mương Khun, Lào nơi có những người Ơ Đu sinh sống để so sánh đối chiếu giáo trình với thực tế. Sau khi tổng kết các khóa học, chỉ có khoảng 40% học viên biết chữ nhưng không sử dụng được.

Nhà văn hóa được xây dựng ở bản Văng Môn để đồng bào Ơ Đu sinh hoạt. Ảnh: Mộc Thanh


Hiện nay, địa phương mới chỉ sưu tầm được khoảng 200 từ do người già ghi chép lại, rất rời rạc, thiếu sự hoàn chỉnh, nên rất khó để giảng dạy. Cộng thêm mỗi đợt giảng dạy lại trong thời gian ngắn, chỉ có 60 học viên/đợt. Bởi vậy, vốn từ sau khi hoàn thành khóa học không đủ để nhớ và sử dụng hàng ngày; học lâu dần không sử dụng, nên lại quên hết.

Ông Vương Đình Lập, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Nghệ An đánh giá: “Địa phương đã rất nỗ lực trong việc gìn giữ và khôi phục bản sắc văn hóa của người Ơ Đu, nhưng hiệu quả còn chưa cao, phần vì người dân chưa có ý thức trong việc bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình; phần nữa là do nguồn lực đầu tư và phương pháp tiến hành còn hạn chế và thiếu đồng bộ. Trong khi đó, lại không thể xã hội hóa, chủ yếu dựa vào sự đầu tư của Nhà nước. Thậm chí chúng tôi phải bỏ tiền túi để sang Lào mua lại những bộ trang phục truyền thống của người Ơ Đu bên đấy về để phục dựng lại”.

Trang phục của các thiếu nữ Ơ Đu không còn giữ được nét truyền thống. Ảnh: Mộc Thanh


Đối với 5 dân tộc rất ít người, Nhà nước đã có hệ thống các chính sách riêng dành cho từng dân tộc, tuy nhiên các chính sách này thường tập trung vào các vấn đề phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất mà thiếu lồng ghép với các đề án về bảo tồn và phát triển văn hóa của các dân tộc thiểu số. Các chính sách, đề án về văn hóa các dân tộc thiểu số vẫn thường đứng biệt lập, ít gắn kết với các chương trình, đề án phát triển khác... nên hiệu quả chưa cao.

Năm 2005, tỉnh Hà Giang đã triển khai dự án “Hỗ trợ, phát triển dân tộc Pu Péo” theo Quyết định số 238/QĐ-UBDT ngày 16/5/2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Dự án có tổng số vốn gần 10 tỷ đồng, nhưng theo Ban Dân tộc tỉnh Hà Giang, đơn vị được giao làm chủ đầu tư dự án, số vốn trên chủ yếu để hỗ trợ phục dựng lễ hội, với mức 119 triệu/7 thôn có đông đồng bào Pu Péo ở Hà Giang trong vòng 5 năm. Nếu chia đều cho 7 thôn, thì mỗi thôn chỉ có 12 triệu để tổ chức lễ hội.

Ông Củng Phù Vần, ở xã Sủng Là, Đồng Văn, một người tham gia bảo tồn bản sắc văn hóa của người Pu Péo cho hay: “Để tổ chức một lễ hội của người Pu Péo, cần đến cả trăm triệu đồng. Nên với tiền hỗ trợ chỉ hơn chục triệu đồng thì không thể làm được gì. Mà người dân thì không có mấy điều kiện để đóng góp khi đời sống còn khó khăn”.

Lê Nguyễn - Minh Phúc

Kỳ cuối: Tạo điều kiện để đồng bào tự bảo tồn văn hóa
Cấp bách bảo tồn đa dạng sinh học
Cấp bách bảo tồn đa dạng sinh học

Việc bảo tồn đa dạng sinh học đang đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức đòi hỏi phải tăng cường nguồn lực và liên kết để bảo tồn đa dạng sinh học cho phát triển bền vững đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN