Phụ nữ J'rai và Bahnar xây dựng buôn làng giàu đẹp

Ngày 19/4/1946, Bác Hồ đã gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tổ chức tại Pleiku (Gia Lai). Đây là niềm tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc. Phụ nữ người J'rai và Bahnar ở Gia Lai - trụ cột của mỗi gia đình đã thấm nhuần những lời căn dặn trong thư của Bác, đoàn kết một lòng cùng nhau chống giặc ngoại xâm và xây dựng cuộc sống ở buôn làng yên bình, no ấm.

Những năm gần đây, chị em phụ nữ dân tộc J'rai và Bahnar đã xây dựng, phát triển các câu lạc bộ chống lại âm mưu đen tối của các thế lực thù địch như: "Gia đình phụ nữ không có chồng, con theo tổ chức Tin lành Đêgar", "Phụ nữ tích cực tham gia phòng, chống vượt biên xâm nhập trái phép", "Phụ nữ tôn giáo sống tốt đời - đẹp đạo, không theo các tà đạo lạ và vượt biên trái phép", "Phụ nữ tự quản đường biên, cột mốc biên giới"... Hoạt động của các câu lạc bộ này ngày càng phát huy hiệu quả. Nhiều đối tượng từng làm những việc làm sai trái trước đây như hoạt động cho bọn xấu trong rừng sâu, vượt biên trái phép sang Campuchia... nay đã tự nguyện quay trở lại đoàn tụ cùng gia đình và cộng đồng. Nhiều buôn làng đã cơ bản xóa được các tà đạo và trở lại các hoạt động tôn giáo thuần túy như trước đây. Điển hình như 2 làng Kút Đăk và Kút Kun thuộc xã An Thành (huyện Đăk Pơ), làng Krok Kret thuộc xã Hà Ra (huyện Mang Yang)... đã xóa bỏ được tà đạo "Hà Mòn" và sự yên bình đã trở lại với cộng đồng từ nhiều năm nay.

Phụ nữ Gia Lai chăm lo phát triển kinh tế gia đình.

Phụ nữ J'rai và Bahnar không chỉ giỏi trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà còn siêng năng, cần cù chịu khó trong lao động sản xuất, góp phần mang lại sự ấm no của từng buôn làng. Nạn đói kinh niên trong các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được xóa bỏ từ nhiều năm nay, thay vào đó là sự trù phú và ấm no của từng buôn làng bởi sự ngút ngàn màu xanh của cà phê, hồ tiêu, lúa nước 2 vụ...

Phương thức sản xuất lạc hậu "phát - đốt - chọc - tỉa" trong cộng đồng dân tộc thiểu số đã được đẩy lùi, thay vào đó là việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, chính là nhờ sự thay đổi "nếp nghĩ - nếp làm" của chị em người J'rai và Bahnar. Điển hình như bà Đinh Thị Gơi, người dân tộc Bahnar, ở làng Broch thuộc xã An Trung (huyện Konchoro) đã vinh dự được nhận giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2010.

Phụ nữ Gia Lai tham gia công tác tuyên truyền chăm sóc sức khỏe.

Nhiều buôn làng dân tộc đã thực sự khởi sắc và đang từng bước làm giàu trong sự yên bình, với sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Buôn làng nào cũng có hệ thống đường sá đi lại thuận lợi trong cả 2 mùa mưa nắng, hơn 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia, hầu hết số trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, đến lớp học văn hóa, bà con đau ốm đều được đến cơ sở y tế điều trị miễn phí...

Theo bà Phạm Thị Tố Hải, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Gia Lai, để phát huy vai trò của phụ nữ các dân tộc thiểu số người J'rai và Bahnar, trong thời gian tới, cần có các chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số; đẩy mạnh đầu tư các chương trình, dự án như chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ, chương trình nước sạch vệ sinh - môi trường, chương trình vay vốn phát triển kinh tế gia đình... Đồng thời, các tổ chức chính trị - xã hội cần vào cuộc, tuyên truyền vận động, thuyết phục, nhằm làm thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, thói quen lạc hậu và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài và ảnh: Văn Thông
Dạy chữ J'rai và Bahnar cho hơn 11 ngàn học sinh
Dạy chữ J'rai và Bahnar cho hơn 11 ngàn học sinh

Tỉnh Gia Lai hiện có 106 trường tiểu học đưa tiếng dân tộc vào dạy với hơn 11.000 học sinh theo học từ lớp 3 - lớp 5, trong đó số học sinh dân tộc học tiếng J'rai có gần 10.000 em, học tiếng Bahnar 1.200 em. Mỗi tuần, các trường đều bố trí giảng dạy 4 tiết học tiếng Bahnar và J'rai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN