Lễ cúng ma bản của người Mảng

Lễ cúng ma bản theo tiếng Mảng gọi là Chi pi ly mùi, được tổ chức khi mùa màng kết thúc. Khi ấy, dân bản góp lễ vật để cúng ma bản nhằm tạ ơn và cầu nguyện ma rừng, ma đất... phù hộ, che chở cho dân bản một năm sức khỏe, mùa màng bội thu, vật nuôi đầy đàn.


Lễ cúng ma bản là một trong những nghi lễ linh thiêng quan trọng, nhưng hầu hết các bản hiện nay không còn tổ chức cúng. Ở bản Pá Bon, xã Chăn Nưa (huyện Sìn Hồ, Lai Châu) sau 30 năm nay mới tổ chức cúng ma bản lại.


Dân bản dọn dẹp, kê bếp để đồ xôi và đun nước làm lợn, gà.


Lễ vật cúng gồm: một con lợn, hai con gà, xôi nếp, rượu. Sau khi thầy cúng chọn ngày tốt, trừ ngày con hổ (nếu tổ chức vào ngày con hổ thì dân bản, vật nuôi sẽ bị nó vồ), con khỉ (theo quan niệm của người Mảng, con khỉ là giống nòi, tổ tiên của họ). Lễ cúng chỉ diễn ra vào buổi sáng, vì theo quan niệm của người Mảng buổi chiều sẽ không no đủ và tươi mới; tuyệt đối không cho phụ nữ vào nơi tổ chức cúng, nếu có phụ nữ sẽ mất đi sự linh thiêng, con ma sẽ về trừng phạt dân bản.


Thầy cúng làm lễ thưa trình với ma bản.


Sáng diễn ra lễ cúng, thầy cúng cùng đàn ông trong bản mang lễ vật và các vật dụng khác ra gốc cây lâu năm ở bản. Sau đó, mọi người dọn dẹp, phát quang bãi bằng để kê bếp đồ xôi và mổ gà, mổ lợn. Trước khi cắt tiết các con vật, thầy cúng lấy một mảnh lá chuối tươi to để làm mâm, cắt lá chuối thành một cái quạt rồi ngồi trước mâm, tay quạt mở đường đi lại cho con ma và thưa trình với ma bản: Hỡi ma đất, ma rừng, ma bản cho phép hôm nay dân bản được cúng ở đây, hãy phù hộ cho con cháu trong bản không xảy ra điều gì cả. Tôi nói thì phải nghe.


Đặt lễ vật cúng dưới gốc cây nhiều năm tuổi.


Thầy cúng khấn xong thì cầm dao cắt tiết gà và lợn. Tiết gà và tiết lợn cắt cho chảy trên mâm thờ cúng. Gan lợn dùng để xem tốt xấu, nếu gan có lỗ thì là điềm báo xấu, mùa màng năm tới sẽ không tốt, con người không khỏe mạnh, còn không có lỗ thì là điềm tốt, một năm vạn sự đều tốt. Lợn, gà để nguyên con luộc chín, lấy bốn chân lợn, một miếng gan và thủ lợn nhỏ, gà thì lấy một miếng thịt nhỏ bằng hai ngón tay đặt lên mâm cúng; lấy một nắm xôi, hai chén rượu và mấy nghìn tiền lẻ đặt cúng.


Xem điềm tốt xấu qua lá gan lợn.


Lễ vật chuẩn bị xong, thầy cúng cầu khấn: Con cháu trong bản tổ chức lễ cúng để tạ ơn ma rừng, ma đất, ma bản đã phù hộ cho dân bản một năm bội thu, năm sau con ma hãy che chở để con cháu được mạnh khỏe, cây trồng xanh tốt, lúa trĩu bông, vật nuôi đầy đàn, ai đi xa đều được bình an... Thầy cúng làm lễ xong và chính tay thầy cúng bê mâm lễ đặt ở gốc cây đã chọn. Mọi người chuẩn bị mâm để cùng nhau ngồi chúc tụng, hỏi han việc làm ăn của nhau. Lúc này, thầy cúng lấy đầu gà để xem: xương lưỡi gà không gãy, hai bên xuôi chiều với nhau là điềm tốt, dân bản sẽ không ốm đau; màng ngăn giữa hai mắt có lỗ thủng nghĩa là điềm tốt, đường đi lại thuận lợi; sọ gà trắng, sạch không đỏ thì tốt lành.


Mọi người cùng chúc tụng một năm mới bình an, làm ăn phát đạt.


Mọi sự đều tốt lành, ai cũng vui mừng và chúc nhau một năm mới làm ăn phát đạt, sức khỏe và may mắn. Ra về, trên mâm còn thừa thức ăn thì tuyệt đối không được mang về, mọi người đều tâm niệm năm nay sẽ tốt hơn...


Bài và ảnh: Việt Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN