Lễ cầu siêu của người Khmer Nam Bộ

Ở Nam Bộ, người Khmer sống gắn bó với ngôi chùa từ lúc mới lọt lòng cho đến khi từ giã cuộc đời. Con trai người Khmer lớn lên thường vào chùa tu trả hiếu cho cha mẹ và học giáo lý để trở thành người có học thức, có ích cho xã hội. Những người Khmer bình thường cũng thường xuyên lên chùa học giáo lý, học chữ Khmer, nghe các vị sư thuyết pháp. Đến lúc chết, người Khmer thường hỏa táng, đưa cốt vào tháp ở chùa, đoàn tụ cùng với tổ tiên những người đã khuất.

Do đã đặt tro cốt người thân vào các tháp cốt nên trong những ngày lễ lớn người Khmer thường mang lễ vật lên chùa làm lễ cầu siêu (Bun Băng Skôl) cho ông bà, tổ tiên những người đã khuất. Đặc biệt là vào buổi chiều ngày cuối cùng kết thúc lễ Chôl Chnăm Thmây, người Khmer tập trung lên chùa làm lễ cầu siêu lớn nhất.

Ở các chùa Khmer, vào các buổi chiều ngày 15 (năm thường) hoặc 16 (năm nhuần) tháng 4 dương lịch, các vị Acha tập trung đến khu vực tháp đựng hài cốt các vị sư đã viên tịch để cầu siêu cho linh hồn các vị sư này.

Quang cảnh lễ cầu siêu của người Khmer.

Sau đó, mỗi gia đình người Khmer mời từ 2 đến 4 vị sư sãi đến tháp lưu giữ hài cốt của những người thân đã mất để cầu siêu cho linh hồn những người thân của mình. Nếu chùa có những tháp đựng hài cốt gần nhau và gần tháp cốt của các vị sư đã viên tịch, các vị sư sãi tập trung cầu siêu cùng lúc đối với hai loại tháp để cầu mong linh hồn những người chết được siêu thoát. Người Khmer mang lễ vật, đặt trên chiếu trước cửa tháp đựng hài cốt, thắp nhang ở cửa tháp, cột một sợi dây chỉ trắng (có chùa sử dụng vải trắng) nối từ cửa tháp đến tay sư cả, tượng trưng cho con đường từ người sống đến nơi an nghỉ của người chết. Các vị sư sãi ngồi phía trước, người dân ngồi phía sau, hướng về phía cửa tháp, chắp hai lòng bàn tay trước ngực. Người Khmer ghi tên những người đã chết có cốt đựng trong các tháp vào tờ giấy, truyền đến trước mặt vị sư cả. Các vị sư tụng kinh cầu mong cho tất cả linh hồn những người chết sớm được siêu thoát. Sau khi các vị sư sãi tụng kinh xong, người Khmer mở nắp tháp, lấy bình tro của người thân mang ra ngoài, dùng nhánh hoa hoặc bó lá tre, nhúng nước thơm rắc lên hài cốt của ông bà cha mẹ, những người đã khuất.

Lễ vật cúng cầu siêu ở tháp cốt sau nhà người Khmer Nam Bộ.

Ở Nam Bộ, một số gia đình người Khmer còn xây dựng các tháp đựng hài cốt ông bà, cha mẹ trong sân phía sau nhà. Vì vậy, trong ngày Lễ Chôl Chnăm Thmây, những gia đình này không lên chùa làm lễ cầu siêu, mà rước sư sãi về nhà. Họ chuẩn bị cơm canh, bánh trái, mời các vị sư tụng kinh cầu an cho người còn sống. Sư sãi hưởng một ít lễ vật của chủ nhà và tụng kinh cầu siêu cho những người thân đã mất trong gia đình. Các vị sư cũng dùng nước ướp hương thơm rắc lên người còn sống và rắc lên hài cốt của những người đã mất.

Người Khmer thắp nhang cầu nguyện trước tháp cốt.

Việc dùng nước thơm để rắc lên người còn sống cũng như hài cốt người chết là tuân theo quan niệm của người Khmer thể hiện niềm mong ước trong năm mới mọi điều sẽ diễn ra tốt đẹp, mát mẻ, sạch sẽ đối với người còn sống giống như bản chất tinh khiết tốt đẹp của nước. Đồng thời việc rắc nước lên hài cốt của người chết để cầu mong họ ra đi về thế giới bên kia siêu thoát dễ dàng như dòng nước trôi đi.

Ngày nay, Lễ cầu siêu vẫn được người Khmer ở Nam Bộ thường xuyên tổ chức, giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Người Khmer ở Nam Bộ xem việc tham gia nghi lễ như là chỗ dựa tinh thần, là nơi thể hiện niềm tin vào sự che chở của thần linh, Đức Phật,… đối với cuộc sống hàng ngày của họ.
Bài và ảnh: Ngọc Tú
Người "truyền lửa" của đồng bào Khmer
Người "truyền lửa" của đồng bào Khmer

Ông Trịnh Lục Lân là người có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền các chính sách pháp luật, hướng dẫn đồng bào Khmer ở sóc Bà Mai, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang thực hiện các mô hình sản xuất có hiệu quả.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN