“Hạn Khuống” - Linh hồn của bản Mường

Đồng bào Thái – Nghĩa Lộ có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ như các lễ hội rằm tháng Giêng, lễ xíp xí, lễ hội hái hoa ban…


Các tục cúng giỗ: Sên bản, Sên Mường (cúng thổ công), Sên bun, Sên khuân, Sên có tén (cúng hồn, cúng phúc) hoặc Sên hươn (giỗ Tổ); lễ mừng cơm mới, mừng nhà mới, cưới xin… là dịp vui chơi, múa hát với những điệu xòe, lời ca, tiếng khắp cùng tiếng trống, tiếng chiêng, khèn bè, pí pặp, tiếng sáo vang khắp núi rừng. Một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ đặc trưng nhất của người Thái phải kể đến “Hạn Khuống”.

“Hạn Khuống”, nghĩa đen của tiếng Thái là “Sàn sân”, tức là một cái sàn dựng ở ngoài sân. Sân hình vuông hoặc hình chữ nhật cao từ 1-1,2 m, mặt sàn rộng từ 16-24 m2, được lát bằng dát tre hoặc phên nứa, xung quanh thưng bằng chấn song đan hình mắt cáo, có một cửa ra vào, lên xuống bằng cầu thang có từ 3-5 bậc.

Ở giữa sàn có một bếp lửa (rộng hẹp tùy kích thước của “Hạn Khuống”), cạnh bếp lửa người ta dựng cây vũ trụ (tiếng Thái gọi là cây “Lắc say”).


Đặc trưng nhất của “Hạn Khuống” là có 5 cây “Lắc say” giống như cây nêu ngày Tết. “Lắc say” được làm bằng một cây bương hay tre dài, từ gốc đến ngọn tỉa hết cành nhánh, trên ngọn chót để nguyên chùm lá treo lủng lẳng những hình con ve, con chim, hoa quả, xúc xích được đan bằng lạt xanh, đỏ trông rất rực rỡ. “Lắc say cốc” tức là tổn khuống cốc (Gốc sàn) cao đẹp, dựng ở giữa sân sàn cạnh bếp lửa. Bốn cây kia dựng ở bốn góc xung quanh.

Chàng trai tỏ tình với người đẹp. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN


Dựng xong “Hạn Khuống”, đêm đầu tiên làm lễ khánh thành, nam nữ thanh niên trong bản góp nhau thức ăn, thức uống mời các cụ cùng ăn mừng tại chỗ, sau đó sinh hoạt “Hạn Khuống” bắt đầu. Bà Lò Thị Huân, Chủ tịch UBND thị xã Nghĩa Lộ, cho biết: Mỗi “Hạn Khuống” thường có từ 5-10 tổ viên gái chính thức, gọi là “Xao lắc xay” và có một người ăn nói khéo léo, đối đáp hay, hát giỏi… làm nhóm trưởng gọi là tổn khuống (nghĩa là “gốc sàn”).

Trong buổi sinh hoạt, nhóm gái lên sàn, cô tổn khuống nhóm lửa rồi rút thang để trên sàn, sau đó đặt chiếc sa quay sợi, lưng dựa vào “Lắc say” gốc ngồi quay sợi, còn 4 cô kia chia nhau ngồi cạnh 4 “Lắc say” khác ở 4 gốc để kéo sợi hay thêu thùa…


Ngọn lửa “Hạn Khuống” cháy sáng rực cả một góc bản. Các cây “Lắc say” lung linh nhiều màu sắc. Thanh niên trong vùng lân cận kéo sang, mỗi đoàn cử một, hai người đàn hay, hát giỏi đại diện xin lên “Hạn Khuống”.

Khi nghe “Hạn Khuống” mở, đêm thứ nhất các chàng trai phải qua nhiều cuộc thử tài mới được các cô gái nhận vào tham dự hội. Thử tài ở đây là bằng lời ca, tiếng hát.


Nhưng muốn lên sàn thì phải hát xin lên, muốn ngồi thì phải hát xin ghế ngồi, muốn uống nước thì phải hát xin nước uống... Các chàng trai làm thế nào để hát đối đáp để các cô gái duyên dáng nhưng cũng không kém phần chanh chua, hiểm hóc kia thuận lòng mới là tài. Và cứ liên tiếp như vậy, các chàng trai lần lượt qua các “cửa ải” thật khó khăn bằng lý lẽ thuyết phục lòng người.

Các chàng trai trổ tài đàn hát quanh nhà sàn, các cô gái ưng thả thang để cho các chàng trai lên sàn. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Từ đêm thứ hai, “Hạn Khuống” cứ nổi lửa lên là các chàng trai, cô gái đến hội họp thật đông vui, cùng chia vui có các nghệ nhân. Các cô gái vừa quay sợi vừa hát, các chàng trai thì đan đồ mây tre hoặc làm những vật dụng trong gia đình. Thỉnh thoảng, các chàng trai, cô gái ngừng tay cất lên tiếng hát, tiếng sáo trúc véo von... Đôi nào ưng ý sẽ hẹn đến mùa xuân cùng đi ném còn...

Ông Tạ Xuân Hiếu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Yên Bái cho biết: “Hạn Khuống” là nét sinh hoạt văn hóa được diễn ra thường xuyên trong cuộc sống đồng bào Thái, nhất là đối với thanh thiếu niên nam nữ. Với người Thái – Nghĩa Lộ, từ lúc bước chân xuống cầu thang ra khỏi nhà đến mảnh vườn, thửa ruộng, đồi nương sản xuất hay nhặt rêu, tìm măng, hái rau... bất cứ lúc nào cũng nghe thấy tiếng hát, câu khắp để chuẩn bị cho sinh hoạt “Hạn Khuống”.

Hoàng hôn xuống, mặt trời vừa chấm núi, chị em đã rủ nhau lấy củi góp cho “Hạn Khuống”. Những cô gái vừa về đến nhà, đặt gánh củi xuống là đã bắt tay ngay vào làm bếp, thổi cơm, cho lợn ăn, ra bến múc nước để hẹn hò chuẩn bị lên “Hạn Khuống”.


Những chàng trai vừa rời nương cũng rủ nhau vào rừng tìm nứa làm sáo, tìm sậy làm khèn và chẻ lạt nhuộm màu xanh, đỏ để lên “Hạn Khuống” đan giỏ hoa tặng bạn, đan hom bắt cá, đan rổ đựng đồ...

Sinh hoạt “Hạn Khuống” lành mạnh, công khai không tốn tiền, không phiền hà bố mẹ, anh em. Không ai phải ra lệnh, trai gái trong bản muốn có “Hạn Khuống” tự rủ nhau xây dựng lấy.


Là nét đẹp văn hóa, “Hạn Khuống” được coi là linh hồn của bản Mường, tượng trưng cho phồn vinh no ấm. “Hạn Khuống” thường sinh hoạt vào thu đông hay đầu xuân. Các chàng trai, cô gái công khai tìm hiểu nhau qua tài nghệ và lời ăn tiếng nói rồi kết tóc se duyên, xây dựng hạnh phúc gia đình.

Nguyễn Viết Tôn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN