Đổi thay ở xóm Tà Mun

Từ trước đến nay, cuộc sống người Tà Mun rất khó khăn, chủ yếu là phá rừng làm nương rẫy, du canh du cư dọc các tỉnh như Đắk Nông, Bình Thuận, Bình Dương, Tây Ninh… Tuy nhiên, nhờ các chính sách 134 và 135 của Chính phủ về hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào người dân tộc, đời sống người Tà Mun nhìn chung đã có nhiều thay đổi.

Một gia đình người Tà Mun.

Vào một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi có mặt ở khu dân cư người Tà Mun tại ấp Ninh Đức (Ninh Thạnh, thị xã Tây Ninh, Tây Ninh), chứng kiến những đổi thay đến không ngờ trên mảnh đất xa xôi này.

Ngồi trong căn nhà đại đoàn kết mới xây, rộng hơn 20 m2 của mình, ông Lâm Ron không giấu được vẻ vui mừng cho biết, hơn chục năm trước, gia đình ông sống bằng nghề làm nương rẫy bên huyện Dương Minh Châu. Sau đó, công trình hồ thủy điện Dầu Tiếng đưa vào hoạt động, ruộng nương ngập lụt hết cả. Mọi người dẫn nhau lên gần chân núi Bà Đen (thị xã Tây Ninh) để sinh sống. Hàng ngày, hai vợ chồng đi nhổ sắn thuê cho người khác, tiền công chỉ gần 10.000 đồng/ngày. Cách đây chừng 6, 7 năm gì đó, chính quyền địa phương có kế hoạch đưa những hộ dân tộc người Tà Mun về đây sinh sống, xây nhà và tạo công ăn việc làm ổn định. Nhờ đó, gia đình ông mới có cơ hội để phát triển. Hiện nay, ngoài ruộng sắn rộng gần 2 ha của gia đình, ông còn có một chuồng chăn nuôi lợn và gà tam hoàng. Thu nhập mỗi năm cũng không dưới 100 triệu đồng.

Về đời sống vật chất, vợ ông Ron tươi cười cho biết: Giờ đây, gia đình bà đã có ti vi, tủ lạnh, bàn ghế, bếp ga và hai chiếc xe máy để đi làm. Ngoài ra, các nhu cầu khác như nước sạch, thuốc men phòng chữa bệnh… cũng đều đầy đủ và tiện lợi. Đứa con lớn của bà mới học xong THCS, hiện nay đang làm công nhân cho nhà máy bún ở dưới thị xã, lương hàng tháng cũng được gần 3 triệu đồng/tháng. Hai đứa nhỏ, một trai, một gái đều đang học ở Trường Dân tộc Nội trú dưới thị xã.

Rời nhà ông Ron, chúng tôi đến thăm gia đình anh Lâm Văn Ên, 42 tuổi, ở cùng xóm với ông Ron. Ấn tượng đầu tiên khi bước vào nhà là những vườn rau màu đủ loại đang xanh tốt. Kể về chuyện tình của mình, anh Ên cười, hai chúng tôi gặp nhau trong những lần đi phát rừng, làm rẫy cách đây tròn 23 năm, rồi nên vợ nên chồng. “Hồi đó, vợ chồng chúng tôi sống trong một cái lều lợp bằng ni lông, che vách bồ. Đầu mái lều này buộc vào cột tre, đầu mái kia buộc vào gốc cây xoài”- anh Ên nhớ lại. Lần lượt 5 đứa con ra đời, nhà nghèo, vợ chồng anh phải làm đủ thứ nghề như đào sắt vụn, đưa đò, trục vớt cây trong lòng hồ... Sau nhiều năm dành dụm, cuối cùng vợ chồng anh cũng mua được 1,2 ha đất trồng rau màu, cải bắp và đậu que, khổ qua... Thu nhập từ vườn cây đã giúp gia đình anh đỡ khổ hơn rồi bắt đầu khấm khá. Các con anh hiện nay cũng đều được đi học như các bạn cùng trang lứa khác trong vùng.

Theo anh Lâm Văn Ên, đồng bào dân tộc Tà Mun ở Ninh Thạnh hiện có 45 hộ dân với gần 200 nhân khẩu. Trong những năm qua, từ Chương trình 134 của Chính phủ, bà con ở đây đã được xây tặng 8 căn nhà đại đoàn kết, giếng nước, được cấp đất thổ cư để ổn định cuộc sống lâu dài. Một số hộ có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ vốn chăn nuôi bò sinh sản (7 triệu đồng/hộ). Chính nhờ những chủ trương đúng đắn và kịp thời đó, những hộ đồng bào người Tà Mun mới có cuộc sống như hôm nay.

Trước khi về định cư ở đây, người Tà Mun chủ yếu sinh sống ở một số huyện miền núi của tỉnh Bình Dương. Ông Lâm Ron là thế hệ thứ hai của người Tà Mun trên mảnh đất lành Ninh Thạnh này, còn thế hệ thứ ba, thứ tư (như anh Lâm Văn Ên và con cái anh) của dân tộc Tà Mun, cuộc sống đã thực sự đổi thay, từ nếp nghĩ đến sinh hoạt cộng đồng. Họ không còn sống khép kín, ngại giao tiếp với các cộng đồng người khác trong xã hội mà mạnh dạn tham gia vào các hoạt động, làm những công việc khác chứ không chỉ bó gọn vào nông nghiệp và chăn nuôi thuần túy. Nhờ đó, tương lai và cuộc sống của người Tà Mun hứa hẹn sẽ có những chuyển biến mạnh mẽ.

Ông Trần Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Thạnh cho biết, trong các dịp Tết Nguyên đán, Tết cổ truyền dân tộc Tà Mun, Sa-uôn-kô Kha-môn, chính quyền địa phương đều đến chung vui và tặng quà cho bà con. Trẻ em Tà Mun đến trường được miễn học phí. Ngoài ra, chính quyền địa phương còn vận động tặng sách vở cho các em đến trường. Hiện nay đồng bào dân tộc Tà Mun ở đây còn 5 hộ nghèo theo diện Trung ương, trong đó có 1 hộ mới phát sinh. Xã đã lên kế hoạch sẽ xây nhà đại đoàn kết cho các gia đình này trong năm 2012 này. Cũng trong năm nay, xã sẽ luân chuyển thêm 15 con bò sinh sản do Chi cục Hợp tác xã Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh hỗ trợ cho các hộ dân tộc Tà Mun nghèo để giúp bà con có điều kiện vươn lên trong sản xuất.

Bài và ảnh: ĐOÀN XÁ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN