Đắk Lắk: Cần có giải pháp để tiếp tục xây đập Thác Mua

Năm 2005, đập Thác Mua (Đắk Lắk) được triển khai xây dựng, nhưng khi khối lượng công trình hoàn thành khoảng 50% thì phải dừng lại vì vướng công tác đền bù giải phóng mặt bằng khu vực quy hoạch lòng hồ.

Từ đó đến nay, các hạng mục công trình xây dựng dở dang bị hư hỏng và xuống cấp. Trong khi đó, hàng trăm hécta lúa nước trong xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn - Đắk Lắk) bị khô cháy và phần lớn diện tích cà phê phải sử dụng nguồn nước ngầm để tưới, quá tốn kém trong đầu tư sản xuất.

Năm 2005, trên cơ sở quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp, tỉnh Đắk Lắk đã đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Thác Mua để tưới cho 120 ha lúa hai vụ và 50 ha cà phê của xã Ea Bar. Ngoài việc phục vụ phát triển sản xuất, công trình thủy lợi này còn có tác dụng cải tạo sinh thái và tạo cảnh quan cho toàn vùng. Theo thiết kế, công trình thủy lợi có diện tích mặt hồ 22,5 ha, nằm trên diện tích lúa hai vụ của xã Ea Bar (huyện Buôn Đôn), Cư Suê (Cư M’gar) và Cư Buar (TP Buôn Ma Thuột). Tổng giá trị đầu tư xây dựng công trình trên 16,5 tỉ đồng. Trong đó, giá trị xây lắp trên 8,5 tỉ đồng và tiền đền bù giải phóng mặt bằng vùng lòng hồ gần 8 tỉ đồng.

Đập Thác Mua (Đắk Lắk).


Công trình đang xây dựng thì đã vấp phải khó khăn trong việc đền bù, giải tỏa mặt bằng vùng lòng hồ. Mặc dù cùng địa bàn, đặc điểm đất đai và điều kiện sản xuất giống nhau, nhưng tỉnh đưa ra giá đền bù khác nhau và chênh lệch khá lớn. Cụ thể, đất của những hộ dân xã Cư Buar thuộc TP Buôn Ma Thuột có giá đền bù cao nhất, đất của xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) giá trung bình, đất của xã Ea Bar (Buôn Đôn) có giá thấp nhất. Vì giá đền bù quá chênh lệch, nên các hộ dân đã không nhất trí nhận đền bù và không giao mặt bằng. Trong khi chưa thỏa thuận được giá đền bù, ban quản lý dự án xây dựng cho đo lại diện tích vùng lòng hồ bằng máy để có hướng giải phóng mặt bằng. Kết quả thật bất ngờ, diện tích mặt hồ đo bằng máy chỉ còn 19,5 ha, giảm 3 ha so với ban đầu đo bằng tay. Sau khi đưa ra con số diện tích đo bằng máy này để đền bù, các hộ dân không chấp nhận, vì số tiền đền bù lại bị sụt giảm đáng kể so với ban đầu.

UBND tỉnh Đắk Lắk, ngành nông nghiệp tỉnh, huyện Buôn Đôn đã tổ chức nhiều cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn về việc thống nhất giá đền bù, giải phóng mặt bằng vùng ngập nước lòng hồ công trình thủy lợi. Đến nay, UBND tỉnh Đắk Lắk hiện đã đưa ra được giá đền bù đất đai thống nhất chung cho các hộ dân sản xuất trong vùng lòng hồ. Tuy vậy, công tác đền bù và giải tỏa đất vẫn gặp khó khăn, bởi một số hộ nông dân làm ruộng, làm rẫy cà phê trong vùng quy hoạch lòng hồ vẫn không muốn nhận tiền đền bù để giao mặt bằng vì lý do nếu giao mặt bằng và nhận tiền đền bù, họ phải bán nhà đi nơi khác định cư và mua đất sản xuất, đất thổ cư với giá cao hơn, nên cuộc sống của họ sẽ gặp khó khăn hơn.

Có lẽ, các cấp chính quyền cần sớm đưa ra biện pháp hợp lý trong công tác giải tỏa mặt bằng, để người dân yên tâm bàn giao đất, di dời, nhằm tiếp tục xây dựng lại công trình thủy lợi Thác Mua, góp phần giải quyết khó khăn nguồn nước tưới cho cà phê và lúa nước 2 vụ của vùng quê nghèo Ea Bar.

Nguyễn Tiên Tri

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN